Trong khi mọi người vẫn hay đếm tuổi bằng Tết thì tôi lại đếm tháng Tư để tính tuổi mình, bởi tháng Tư ngoài cái nắng hanh hao đến từng hơi thở, trong tôi còn có một tháng Tư xanh miền ký ức.
Tháng Tư. Sài Gòn giải phóng. Tôi đúng mười bảy tuổi. Hồi ấy, ngay góc đường Tổng Đốc Phương (bây giờ là Châu Văn Liêm), Hồng Bàng, chỗ siêu thị xe máy Quang Phương bây giờ, là nhà hàng Thanh Đình, một trong những nhà hàng chuyên “bò bảy món” có tiếng của Chợ Lớn. Ông chủ nhà hàng là một tay dân biểu hạ viện đã di tản trước 30/4 mấy ngày. Cậu ruột tôi làm cai (quản lý) nhà hàng, trong tình thế đó cũng không biết đối phó cách nào đành quản lý anh em, trông coi nhà hàng giùm chủ (?). Nhà tôi ở quận tám, muốn sang bên này đô thị phải qua hai cây cầu, đường đi cách trở nên chúng tôi “tản cư” qua đây ở chung với các cậu mợ trong nhà hàng.
Người dân Sài Gòn chào đón đoàn quân giải phóng ngày 30/4/1975.
Tại nơi đây, tôi đã chứng kiến giây phút lịch sử tháng Tư với tột độ hoang mang, lo sợ lẫn tò mò. Sáng 30, lệnh ngừng chiến được phát ra. Con đường Hồng Bàng vắng ngắt, lạnh tanh, phút chốc trở nên nhốn nháo lạ thường. Tiếng còi hụ, tiếng la hét, tiếng đổ vỡ, tiếng súng đì đùng rải rác… tất cả dội vào lòng tôi nỗi hoang tàn, trống trải.
Chiến tranh buộc người ta không ai có thể đứng ngoài chiến sự. Mỗi người nhìn cuộc chiến theo cái cách của riêng mình, nhưng tất cả đều có một mong ước chung là hòa bình. Tôi cũng vậy, cũng ao ước hòa bình. Lạ thay! Mười bảy tuổi, tôi tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc lại bằng sự liên tưởng vô cùng “kinh khiếp”. Lướt qua đầu tôi, trước tiên là hình ảnh anh bộ đội “bảy người đu một tàu đu đủ không gãy”. Liền đó là một hình ảnh còn “kinh dị” hơn, “con gái Sài Gòn sẽ bị bỏ vô bao bố cột miệng lại cho thương binh Việt cộng bắt thăm lấy về làm vợ”…. Không biết tự khi nào và từ đâu, tôi đã nạp vào bộ nhớ của mình thứ thông tin khinh khủng như vậy. Nhưng quả thật, ngay thời khắc ấy, tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi là một khoảng không mênh mông, mênh mông đến vô tận…Tôi xòe hai bàn tay, mân mê từng ngón thuôn mềm, nước mắt rớt dài men theo từng kẽ ngón.
Rồi chúng tôi cũng trở về nhà. Cái xóm nhỏ ngoại ô sau chiến tranh, bình yên và nguyên vẹn đến diệu kỳ. Cả cái đồn cảnh sát bên kia đường dường như cũng không có vẻ gì giống một nơi vừa đi qua cuộc chiến. Có khác chăng là tất cả rào chắn bằng dây kẽm gai quanh đồn đã được dẹp bỏ. Ở đó, hiện diện những bóng áo xanh bộ đội với các giọng nói từ đủ mọi vùng miền. Những gương mặt không thể rạng rỡ hơn. Những đôi mắt không thể rực sáng hơn. Những nụ cười không thể hân hoan hơn. Những cử chỉ không thể thân thiện hơn…Tất cả gieo vào lòng tôi một nỗi “hoài nghi”.
Học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định tại cuộc mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam.
Tôi mang theo nỗi “hoài nghi” ấy đi dự buổi họp thanh niên theo lệnh triệu tập của chính quyền quân quản. Lệnh họp, không ai dám vắng mặt. Người đông, ngồi xếp thành hàng chật cả sân trường. Điều khiển buổi họp là một anh bộ đội, dáng người cao liêu xiêu, làn da xanh tái nhưng giọng nói chắc khỏe, trầm ấm và rành mạch.
Vì chiều cao hơi bị khiêm tốn nên ngay từ bé, trong lớp tôi luôn “bị” ngồi bàn đầu, ra sân xếp hàng tôi luôn “bị” đứng đằng trước, riết trở thành thói quen nên tôi cũng bon chen lên ngồi phía trước, kế bên tôi là Phượng, nhỏ bạn thân ở xóm ngoài. Tôi kề tai Phượng nói nhỏ: “Ê Phượng! Đẹp “chai””. Nhỏ Phượng nhéo tôi một cái rõ đau. Tôi hét lên: “Ái!”. Tuy đã hết sức kiềm chế nhưng vì hai đứa ngồi hàng đầu nên “mục tiêu” liền bị anh ấy phát hiện ngay. Tôi đánh lô tô trong bụng, tưởng sẽ bị “làm tư tưởng” một bài cho xấu mặt giữa thiên hạ. Không ngờ, anh ấy nhìn tôi, cười. Nụ cười hiền lành và thân thiện. Nụ cười xua tan mọi “hoài nghi” trong tôi.
Anh tự giới thiệu tên là Lê Ngọc Vệ, được giao nhiệm vụ hướng dẫn thành lập Chi hội liên hiệp thanh niên tại địa bàn. Dưới sự quản trò của anh, chỉ sau ít phút, từ sự bỡ ngỡ, e dè và có phần sợ sệt, chúng tôi nhanh chóng trở nên hào hứng, sôi nổi, cuốn hút theo anh, theo những giai điệu hào hùng của các bài ca cách mạng được anh tập cho, mặc dù lúc ấy có lẽ chúng tôi không mấy ai cảm nhận được hết nội dung bài hát. Kết quả “không mong đợi”, trong số các anh chị em được đề cử vào ban chấp hành chi hội có tôi và Phượng. Nhìn xuống những “đồng chí” ngồi bên dưới với đầy đủ mọi trình độ, mọi sắc thái, mọi giới tính… nghĩ mình từ ngày mai sẽ trở thành “thủ lĩnh” của họ, tôi “bình tĩnh đứng run” nhưng không dám từ chối vì sợ.
Xe tăng quân giải phóng chiếm giữ Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/5/1975 Ảnh TL
Trước khi kết thúc buổi họp, Vệ ôm cây guitar thùng vừa đánh đàn vừa hát bài Tình ca của Hoàng Việt. Anh bảo: “Để các bạn thấy rằng “cách mạng” không khô khan tình cảm như mọi người hay nghĩ. Chúng tôi cũng yêu, yêu tha thiết, quyết liệt…”. Bài hát toát lên một giai điệu hào sảng, bi tráng mà không kém phần lộng lẫy, trữ tình cùng với những ca từ ngọt ngào, da diết nỗi nhớ mong của đôi lứa yêu nhau. Tình yêu thấm đẫm đau thương chiến tranh, thật vĩ đại nhưng cũng vô cùng bình dị. Tôi lại thì thầm vào tai Phượng: “Không thua Nguyễn Chánh Tín”. Lần này thì Phượng không phản ứng gì vì nó đang mải nghe anh hát.
Những ngày sau đó, tôi bị cuốn theo các sinh hoạt thanh niên ở địa phương. Với một chút năng khiếu cùng sự cố vấn giúp đỡ tận tình của anh, tôi trở thành một “thủ lĩnh” thanh niên thực thụ.
Vệ cũng được chuyển hẳn từ quân đội sang công tác đoàn thanh niên. Chính anh đã khơi dậy trong tôi sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã phả vào tôi niềm hăng say phục vụ cộng đồng. Tôi tập tành theo anh đi làm “cách mạng”, tươi trẻ, hồn nhiên, bất chấp cơm độn bo bo, bất chấp “tàn phai nhan sắc”.
Chỉ một mình tôi biết, ở đó, tôi còn có một niềm hạnh phúc vô biên là được đi bên cạnh anh, được nhìn thấy anh mỗi ngày, được nghe anh kể chuyện và hát Tình ca. Những câu chuyện về các mặt trận nơi anh đã đi qua, chuyện quê anh với dòng sông, cánh đồng và kỷ niệm thời thơ ấu. Những câu chuyện vừa lạ vừa quen, luôn làm tôi trăn trở. Và chỉ một mình tôi biết, tôi yêu anh, tình yêu đầu đời trong sáng, ngây ngô và hoang dại.
Những ngày tháng ấy và... anh là một phần đời hoành tráng, lộng lẫy, tinh khôi và trong trẻo nhất của tôi.
Đó là những ngày nắng cháy da trên công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, chứng kiến dòng nước đầu tiên đổ về loang loáng lòng kênh, vừa hò reo vừa… khóc. Đó là những đêm lạnh thấu xương ở nông trường Phạm Văn Hai, ngồi cạnh nhau trên bờ đê lộng gió trong không gian ngan ngát mùi khóm chín. Đó là những ngày đẩy xe cút kít chở đất đá san lấp mặt bằng xây dựng công viên Đầm Sen sưng hết cả tay, chai hết cả chân...
Ngày Vệ hoàn thành nhiệm vụ, trở về Thanh Hóa là ngày Sài Gòn lạnh tái tê chưa từng thấy. Tôi buồn bã xòe tay thả mối tình đơn phương vụng dại đầu đời của mình lên bầu trời đầy sao trong đêm thánh lễ. Trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga lặng lẽ, tôi chắp tay nguyện cầu: “Lạy chúa con là người không đạo...”.
Bốn mươi năm trôi qua, thời gian đủ dài cho một đời người để gọi tên quá khứ. Nhưng quá khứ tuổi trẻ gắn liền với thời khắc lịch sử tháng Tư không phải ai cũng may mắn có được. Và tôi, thế hệ của chúng tôi, trong tim mỗi người đều có một tháng Tư để hằng nhớ. Như tôi vẫn hằng nhớ anh mỗi bận tháng Tư về…