Hóa đơn nợ của một ủy ban thị trấn với quán ăn Phương Đông.
Chuyện cơ quan công quyền nợ cũng khá phổ biến đấy!
Cách đây dăm năm, tôi thấy trên báo chí và mạng xã hội đã nói tới chuyện một số cơ quan công quyền nợ tiền, trong đó có chuyện nợ quán. Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã yêu cầu các địa phương báo cáo về tình trạng thu chi sau hai trường hợp Thành ủy Bạc Liêu và Cà Mau “đổ nợ”. Người ta hi vọng chuyện các cơ quan sang trọng như thành ủy, huyện ủy nợ nần là chuyện cá biệt, hiếm hoi.
Nhưng thực tế không phải thế! Chuyện cơ quan công quyền, đặc biệt là cấp xã nợ quán là khá phổ biến. Ở một số địa phương, có người còn nói một cách sinh động: “Trụ sở của ủy ban xã đóng ở đâu là trong vòng bán kính 1km, gà không lớn được!”. Cái thời nhà hàng, quán xá chưa nhiều như bây giờ, các ủy ban xã hay mua gà về trụ sở làm thịt, nhất là về ban đêm.
Hiện nay, chuyện Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) nợ trên 50 tỷ đồng khiến nhiều người quan tâm. Được biết, Tỉnh ủy Thanh Hóa đang chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Chắc có những điều chưa rõ ràng trong chuyện này, nhưng ít nhất ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định xác nhận có việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định vay nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền hơn 52 tỷ đồng. Trong đó, Huyện ủy nợ 29 tỉ, UBND huyện nợ 23 tỉ. Đây là số tiền rất lớn với cơ quan cấp huyện ở Thanh Hóa.
Tại sao cơ quan công quyền lại nợ quán?
Vào google gõ: “Cơ quan nợ quán”, trong 0,37 giây, có khoảng 11.600.000 kết quả. Như vậy đủ biết là vấn đề các cơ quan nợ nhà hàng, khách sạn phổ biến tới mức độ nào! Ở đây có nhiều thông tin, bài viết rất cụ thể, tôi không dẫn ra làm gì nữa. Tôi chỉ kể chuyện này: Sau khi Khách sạn Phương Đông ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An gắn biển “Phương Đông Mường Thanh”, một người tiết lộ: “Chúng tôi buộc phải bán cho ông Thản vì khách của tỉnh, của các sở, ngành đến nghỉ ít chịu thanh toán... Khách sạn lỗ và nợ rất nhiều”.
Có một thực tế là hiện nay một số lãnh đạo ở các địa phương “chơi đẹp”, bao khách cả chuyện ăn ở tại địa bàn của mình. Địa phương nào càng “chơi đẹp”, khách càng đông. Và để cho không khí thân tình, vui vẻ thì chuyện ăn uống ở nhà hàng là không tránh khỏi; quán nhậu, nhà hàng càng sang, càng vui. Khổ nỗi, tiền của các quan chức không phải khi nào cũng sẵn; mà có sẵn thì họ cũng ít khi bỏ tiền túi ra để thanh toán những khoản này.
Chắc một số quan chức ở trung ương có bứt rứt khi biết nhiều cơ quan công quyền ở địa phương nợ tiền các quán nhậu. Nhưng chuyện này không hẳn là lỗi của họ, mà như ông cha ta đã từng nói: “Khách 3, chủ nhà 7”. Hơn nữa, nếu chủ nhà không mời thì khách chẳng bao giờ đòi cả. Vì vậy, trách nhiệm chủ yếu trong chuyện cơ quan nợ quán là do người mời.
Đàm Trọng/TC GĐ&TE