Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp và làm việc với GS Ha Joon Chang
Người lao động là “tài sản”
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến phát triển nhân lực chất lương cao, cũng như lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng, nhà kinh tế học chia sẻ, tại các quốc gia, một số Chính phủ có chính sách nhằm gắn trách nhiệm và tạo sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành liên quan khác đối với phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng của đất nước họ.
Qua đó tạo được sự gắn kết thực chất và hiệu quả của ngành công nghiệp với đào tạo nghề - trong đó có việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ liên quan trong việc dự báo phát triển của nền kinh tế; nhu cầu phát triển nguồn nhân lực; việc làm và nhu cầu đào tạo lao động có kỹ năng trong tương lai.
“Vấn đề đảm bảo chất lượng nhân lực trong trung hạn và dài hạn là rất quan trọng. Nếu quốc gia thiếu nhân lực trong dài hạn thì không thể phát triển”, ông Chang nhấn mạnh.
Ông Chang cũng lưu ý, đa số các nước tiên tiến rất coi trọng lao động. Họ không coi lao động như đầu vào sản xuất, không lấy việc chi phí trả công là nặng nề, cần phải cắt giảm mà coi lao động là tài sản của công ty, cần phải nuôi dưỡng. ‘‘Có thể thấy điều này ở các công ty như của Thụy Điển, Đức, còn ở Hàn Quốc thì chưa đạt được như vậy’’, ông Chang cho biết.
GS Chang bày tỏ tin tưởng với một đất nước có bề dày lịch sử kiên cường như Việt Nam, lĩnh vực nhân lực Việt Nam đã và sẽ làm tốt, đáp ứng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, ông cũng “hiến kế”, nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI trong đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Đồng quan điểm, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra cũng khẳng định, nhân lực là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, và khẳng định, luôn sẵn lòng phối hợp và hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH trong định hướng, dự báo cung cầu lao động.
Xây dựng chiến lược nhân lực để chủ động sử dụng nhân lực
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn gợi mở của GS Chang và điều phối viên của LHQ. ‘‘Đây là những thông tin, kinh nghiệm bổ ích cho chúng tôi - có thể nói là rất thiết thực. Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn về phát triển trong đó có nguồn nhân lực, tiến tới là nhân lực chất lượng cao’’, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình về định hướng xây dựng chiến lược bồi dưỡng nhân lực. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đang phải bắt tay xây dựng chiến lược nhân lực để chủ động sử dụng nhân lực, mặt khác đối phó với già hóa dân số vào năm 2026.
‘‘Kinh nghiệm của các nước để chuyển đổi từ 7% người trên 65 tuổi sang khoảng trên 14% như Pháp, Đức phải mất 100 năm, Trung Quốc 25 năm nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm’’, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam khác với những nước khác đang trong giao đoạn dân số vàng, tỷ lệ người trẻ cao, tỷ lệ lao động trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, cơ cấu về lao động bất hợp lý; cơ cấu đào tạo cũng đang có vài điểm bất hợp lý. Hiện tại, cơ cấu đào tạo hiện nay trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật là 1; 0,35; 0,63; 1,5. Việt Nam đang thiếu 2 nguồn là kỹ sư thực hành và công nhân trình độ tay nghề cao.
“Thông thường mô hình nhân lực mà các nước phát triển như Đức, Singapore theo mô hình quả trứng, trong khi hiện nay mô hình của Việt Nam đang bị thắt ở giữa và tiến tới phải điều chỉnh”, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nêu rõ.
Đồng tình với GS Chang về việc Việt Nam sớm hoàn thiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Việt Nam đang thiếu chính là dự báo cung cầu lao động từng ngành nghề, lĩnh vực trong trung và dài hạn. Dẫn đến nghịch lý là Việt Nam đang đào tạo không theo nhu cầu thị trường cần, mà đào tạo theo cái mình có. ‘‘Nên Chính phủ và Ngành LĐ-TB&XH tới đây sẽ chuyển đổi, xây dựng đề án đào tạo nghề trong cuộc cách mạng 4.0 và dự báo cung cầu lao động trong kỷ nguyên số’’, Bộ trưởng thông tin.
Về lĩnh vực GDNN, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định, với hệ thống các cơ sở GDNN Việt Nam tương đối mạnh, hiện có 1.959 cơ sở GDNN trên cả nước, và đang xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN với 10 nhóm giải pháp căn bản. Trong đó có giải pháp là kết nối doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành, đi cùng trong việc xây dựng chương trình, phối hợp giảng dạy, thực tập.
“Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đang thí điểm một số trường nghề ký kết với 10 tập đoàn đào tạo theo đặt hàng. Hiện, Bộ coi đây là 1 trong những khâu trọng tâm của ngành trong những năm tới”, Tư lệnh ngành khẳng định.
Qua gợi ý của GS Chang và Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và mong muốn với kinh nghiệm của mình, GS Ha-Joon Chang và ngài Kamal Malhotra sẽ phối hợp với Việt Nam nói chung và ngành LĐ-TB&XH nói riêng, “đặc biệt hỗ trợ trong định hướng, dự báo cung cầu lao động và Giáo dục nghề nghiệp. Đây là hai vấn đề tôi rất quan tâm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Giáo sư Ha-Joon Chang sinh 07/10/1963, là nhà kinh tế học Hàn Quốc, giáo sư Đại học Cambridge. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất cũng như là một trong những nhà kinh tế học không chính thống hàng đầu đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Hiện Ha-Joon Chang là giáo sư về Phát triển Kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge. Ngoài ra, ông còn là một cố vấn danh tiếng cho một số ngân hàng lớn, các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc; một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế ở Washington. |