Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều mới hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; cùng đại diện, chuyên viên các đơn vị, các vụ và lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH của 21 tỉnh thành đại diện cho các khu vực trong cả nước, các chuyên gia tư vấn đã có nhiều năm kinh nghiệm đóng góp cho công cuộc giảm nghèo.

Hội thảo nhằm thông tin rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025.



Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Việt Nam tiên phong về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ năm 2015

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ năm 2015. Qua báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền, đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Công tác giảm nghèo của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao”.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. 



Chuyên viên Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo Nguyễn Tấn Nhựt trình bày báo cáo

Thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều từ năm 2015, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và vệ sinh, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, các đại biểu cho rằng: Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền; phương pháp, công cụ, quy trình rà soát hộ nghèo bảo đảm tính khách quan, dễ nhận diện đối tượng. Cùng với thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019), bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giảm mạnh sau 4 năm (đặc biệt là số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số nước hợp vệ sinh, chỉ số chất lượng nhà ở giảm từ 40-50%)…

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được khi thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình, chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập được duy trì trong 5 năm liên tục không cập nhật chỉ số giá, do đó chưa phản ánh chính xác thực trạng nghèo trong giai đoạn tới; hộ nghèo được tách thành 2 nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều được áp dụng chung; một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông; chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương…

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều mới

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, với bối cảnh mới của giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 -2020, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, việc xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 là hết sức cấp thiết, là cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo giảm nghèo bao trùm, toàn diện, bền vững cho người dân. 



Chánh Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo Tô Đức phát biểu

Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đo lường nghèo đa chiều phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội cụ thể của đất nước và thu nhập là một chiều trọng tâm, chủ yếu trong các chiều đo lường nghèo. Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều được xây được trên cơ sở khoa học, có thể so sánh với quốc tế và khu vực, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Theo đề xuất, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thay đổi. Hộ nghèo: Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.



Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức chủ trì Hội thảo

Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ, 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016-2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…), không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn 2016 - 2020.


Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đã có 11 ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đặc biệt là ý kiến của các địa phương. Trong số đó có nhiều ý kiến về giảm nghèo chiều thu nhập, việc làm, dinh dưỡng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, đánh giá các ý kiến đóng góp để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tốt hơn giai đoạn trước. 

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em