Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, việc xây dựng Dàn nhạc dân tộc Việt Nam ngoài phần có thể khôi phục, phục dựng các tiết mục đã mất, sắp mất, còn giới thiệu được hình ảnh Việt Nam, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là rất quan trọng.
Hiện nay, nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một, các nghệ nhân cũng dần mất đi, người học ít dần đi, có người học ra trường lại không có việc làm.
Trong khi đó, việc quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua âm nhạc truyền thống sẽ dễ thu hút bạn bè quốc tế.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam dù rằng trong giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, con người.
Theo đó, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ kiện toàn, hoàn thiện Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Dàn nhạc được thành lập sẽ gồm hơn 80 nhạc công, có nhiệm vụ phục dựng, giữ gìn những tác phẩm, tiết mục âm nhạc truyền thống; quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế qua âm nhạc dân tộc.
Ngoài các bản nhạc cổ, dàn nhạc sẽ thể nghiệm biểu diễn các tác phẩm âm nhạc nước ngoài, chuyển soạn giai điệu âm nhạc dân gian các dân tộc.
Đây cũng là nơi cho các nhạc sĩ thử nghiệm, sáng tạo, xây dựng những tác phẩm âm nhạc tầm cỡ quốc gia, dàn dựng những chương trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam…
Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức ghi âm, ghi hình, phổ biến các chương trình đến công chúng thông qua nhiều phương tiện hiện đại.
Hiện tại, đời sống của âm nhạc truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng ngày càng vắng bóng. Trong khi đó, việc theo đuổi âm nhạc truyền thống đòi hỏi tài năng, tâm huyết, đam mê và khổ luyện, nên ít người trẻ lựa chọn.
Việc xây dựng dàn nhạc dân tộc quy mô, tầm cỡ sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên, nâng vị thế của âm nhạc dân tộc. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phải xây dựng chiến lược hoạt động cho Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam bài bản, dài hơi, từ việc tổ chức nhân sự, đầu tư biểu diễn tác phẩm, chương trình, đến vấn đề sáng tác và đặc biệt là đào tạo, thu hút thế hệ kế cận.
Có như vậy, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam mới trở thành thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của khán giả, thực hiện được mục tiêu gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc.