19/22 triệu gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa
Bộ VH-TT&DL cho biết, đến nay cả nước có gần 19/22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014). Tuy nhiên, qua thảo luận, ý kiến các bộ, ngành cho rằng: “Số liệu nêu trên còn hình thức, mặc dù tỉ lệ cao và năm sau tăng hơn năm trước, nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề về văn hóa khiến cả xã hội trăn trở. Tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Nói là toàn dân đoàn kết thì đúng rồi, nhưng tại sao văn hóa xã hội lại vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, nhức nhối như vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại đến mức bất chấp đạo lý? Để xây dựng đời sống văn hóa không nên bàn những chuyện cao siêu, từng thành viên trong BCĐ trước hết phải xác định những việc cụ thể để triển khai, tạo ra sự chuyển động thực sự trong đời sống xã hội. Ví dụ năm 2016 quyết tâm kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được không? Ở nông thôn ai trồng rau sạch, rau bẩn thì chẳng lẽ các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, chính quyền, bí thư xã không biết? Đã đến lúc nên tìm ra vài việc cụ thể và làm đến nơi đến chốn...”
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng những tiêu chí dễ hiểu, sao cho khắc phục được bệnh không thực chất. Chẳng hạn tiêu chí gia đình văn hóa là chấp hành quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, vẫn còn chung chung, nên cụ thể hơn như: Gia đình văn hóa thì phải không có bạo lực, cờ bạc, đề đóm, ở nông thôn thì gia đình văn hóa là gia đình sản xuất, nuôi trồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải có tiêu chí cụ thể thì đánh giá mới đúng.
Báo cáo của BCĐ Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khẳng định: Năm 2015, phong trào đi vào hoạt động có chiều sâu, 62/63 tỉnh, thành phố đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, có văn phòng thường trực đi vào hoạt động theo mô hình mới, chuyên trách đem lại hiệu quả cao. Nhiều địa phương đã có sáng kiến mới, cách làm hay, xây dựng các mô hình danh hiệu văn hóa kiểu mẫu, gắn với phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ngày càng phong phú, tại nhiều thôn làng đã khôi phục, bảo tồn lễ hội văn hóa dân gian, di tích lịch sử truyền thống...
Loại bỏ bệnh thành tích
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận: “Dù BCĐ ở nhiều địa phương đã triển khai sâu rộng, tình trạng chạy theo thành tích vẫn còn. Một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, ý thức của người dân trong việc phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa còn chưa đúng mức.Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa ở một vài nơi vẫn còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ gia đình văn hóa trong báo cáo cao nhưng chất lượng phong trào còn thấp, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị mai một”.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ đã tập trung thảo luận những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện phong trào như: Bệnh thành tích, hình thức; sự trùng lắp, chồng chéo về tiêu chí, định tính nhiều hơn định lượng; thiếu thốn các cơ sở sinh hoạt văn hóa cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp... Đồng thời, các ý kiến thống nhất cho rằng việc thực hiện phong trào trong thời gian tới phải mới từ cách tổ chức thực hiện đến giám sát, đánh giá...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các thành viên BCĐ đã quan tâm, thực hiện sát sao các nhiệm vụ, tuy nhiên còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết. Tuy nhiên, xây dựng đời sống văn hóa là một quá trình dài, mỗi thời kỳ có một vấn đề bức xúc cần giải quyết. Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh những công việc thường xuyên, BCĐ các cấp cần lựa chọn những hoạt động cụ thể, tạo chuyển biến thực sự trong thực hiện phong trào. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổng kết 15 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 20 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,” tiến tới hội nghị tổng kết toàn quốc vào quý IV/ 2016.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu hỏi - đáp về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các văn bản thực hiện vào quý I/2016, gửi trưởng BCĐ cấp xã. Đây là cơ sở để thống nhất trong công tác tổ chức thực hiện phong trào ở cơ sở. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch đã đề ra; xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch với Chính phủ về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững...