Để xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tập trung nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; đồng thời xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, đưa chương trình trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô Áo dài".
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo áo dài Huế phát triển. Hình thành Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài. Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế. Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc áo dài trong các không gian lễ hội, lễ nghi truyền thống, hình thành trang phục truyền thống các ngành nghề...
Trả lời báo chí, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng áo dài đúng nghĩa - áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến giữa thế kỷ ấy, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn bộ Đàng Trong, và sang giữa thế kỷ 19, loại trang phục này đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt, với cả nam và nữ.
Tại cố đô Huế, áo dài đã được vào nhiều chương trình, lễ hội, sự kiện lớn, như tại các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế. Thậm chí áo dài cũng từng xuất hiện tại Giải chạy "VnExpress Marathon – VM Huế 2020" và đã được công chức Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc đến công sở làm việc vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng.