Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ ký kết
Dự lễ kí kết có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, cùng các đơn vị chức năng của hai Bộ, đại diện Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ...
Tăng cường công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với HSSV
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, tính đến 15/11/2018, Việt Nam có 225.099 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 80% có sử dụng ATS và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7 %). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như: Cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều. Còn tại các trường học, số lượng học sinh, sinh viên nghiện ma túy ngày càng báo động. Trước tình hình đó, các Bộ, ngành cần phải tăng cường các biện pháp dự phòng, tuyên truyền trong trường học, cộng đồng.
Mặc dù công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền giáo dục, đầu tư nguồn lực, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện), nhưng vẫn cần có giải pháp mạnh để tăng cường công tác Dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi lễ
“Theo khuyến cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần có giải pháp mạnh trong phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền và chống kỳ thị người nghiện ma túy. Do đó, việc hợp tác giữa hai Bộ: LĐTB&XH và GD&ĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với những kế hoạch cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Việc kí kết giữa hai Bộ nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống ma túy, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tác hại của ma túy và những hệ lụy của ma túy.
Ma túy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đến an ninh, trật tự xã hội. Thế hệ trẻ rất dễ bị lôi kéo vào tệ nạn nên rất cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức tránh xa ma túy. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ mong muốn: "Với những nội dung đã đề ra trong biên bản kí kết, từ việc tuyên truyền hoàn thiện văn bản pháp luật đến việc trao đổi thông tin, xây dựng mà nhân rộng mô hình, đến năm 2020 sẽ góp phần ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn ma túy trong HSSV. Khi HSSV nhận thức đẩy đủ về tác hại của ma túy sẽ là tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và cộng đồng hiểu về tác hại của ma túy, tránh xa ma túy”.
Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể bị hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký kết tại buổi lễ
Nhiều điểm mới rất quan trọng
Nội dung của Kế hoạch phối hợp có nhiều điểm mới rất quan trọng, nhất là việc nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật về Dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn Quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy theo hướng sửa đổi Chương cai nghiện và bổ sung Chương dự phòng nghiện ma túy... “Tôi cho rằng những việc này là hết sức cần thiết và tại thời điểm hiện nay không phải là sớm nữa, để giúp Bộ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.
Theo đó, Bộ LĐTBXH giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Bộ GD&ĐT giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung sau:
Một là, Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dự phòng, cai nghiện ma túy đối với HSSV theo kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hai là: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy đối với HSSV. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cần làm tốt công tác tuyên truyền trong học sinh, sinh viên để các em nhận thức được để tránh xa ma túy, các chất kích thích. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá các địa phương, trường học thực hiện việc này như thế nào.
Ba là: Nghiên cứu, khảo sát tình hình, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Bốn là: Tổ chức các hội nghị, hội thảo và trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Năm là: Phối hợp tổ chức thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy.
Sáu là: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy.
Định kì quý IV hàng năm, hai cơ quan đơn vị luân phiên chủ trì tổ chức giao ban đánh giá tình hình, kết quả phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm tiếp theo. Đồng thời tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chương trình phối hợp này vào năm 2020.
Tính đến hết năm 2017, thế giới có khoảng 247.000.000 người ở độ tuổi từ 15 - 64 từng sử dụng chất ma túy, trong đó khoảng 10% đã nghiện, chiếm hơn 0,3% dân số thế giới. (Theo Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC).
Nhật Anh/GĐTE