Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ và thức đẩy quyền con người. Năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), quy trình xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; quy định hợp lý, sát thực tế hơn quy trình xây dựng chính sách.
Từ năm 2019 đến tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020,… Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, cụ thể là định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật chuyển đổi giới tính…
Quá trình xây dựng, soạn thảo, ban hành các VBQPPL được bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến một cách rộng rãi, thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 đã bổ sung các quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý công khai trên các Cổng thông tin điện tử trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ đề ra, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách. Theo báo cáo của WB , Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam có giá trị tăng điểm số hoặc thăng hạng như Khởi nghiệp kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế, Chỉ số tuân thủ pháp luật. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai một cách toàn diện, đồng bộ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 .
Việt Nam nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Từ năm 2019 đến nay, Tòa án Nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội phạm tham nhũng… Tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tạo điều kiện cho công tác xét xử đúng tiến độ trong bối cảnh dịch Covid-19. Tòa án Nhân dân tối cao cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát pháp luật để điều chỉnh, liên quan đến vấn đề nghiên cứu thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia, điều chỉnh tuổi trẻ em phù hợp với Công ước Quyền trẻ em, phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, phòng chống mua bán người...