GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng Trường đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Những năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin. Lĩnh vực truyền thông ngày càng trở nên quan trọng, là một lực lượng tiên phong, có vai trò kết nối và quyết định đối với mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Với xu hướng toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, những nhận thức mới về tư duy và phương pháp truyền thông cũng như quản trị truyền thông đang trở nên cần thiết cho khả năng cạnh tranh địa phương và toàn cầu của giới truyền thông thế giới cũng như ở Việt Nam. Quản trị truyền thông không chỉ cần cho những người đang làm việc trong các cơ quan thông tin – truyền thông mà còn cần thiết cho các cán bộ truyền thông và cán bộ phụ trách truyền thông của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các bộ, ngành…”
Xử lý tốt khủng hoảng truyền thông để xây dựng niềm tin vững vàng Ảnh nguồn: brandsvietnam.com)
Có thể thấy, nếu như năm 1995, mới có chưa đầy 1% người trên thế giới biết đến Internet, thì hiện nay, theo số liệu mới nhất của Internet World Statistics, gần 50% dân số thế giới sử dụng mạng. Theo thống kê của We Are Social.com tháng 4/2014, Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với gần 5 giờ/ngày, và đứng thứ 12 trên thế giới về số thời gian trung bình dành cho mạng xã hội (2,3 giờ/ngày), trong đó, Facebook là mạng xã hội được phổ biến nhất.
Trước thực trạng đó, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ của quản trị truyền thông trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông mạng xã hội, với những diễn biến tác động đa chiều, phức tạp của tiến trình toàn cầu hóa. Nhờ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp quản trị truyền thông và ứng phó, xử lý tốt khủng hoảng truyền thông.
Nội dung hội thảo đã tập trung bàn luận vào các vấn đề: Xử lý khủng hoảng truyền thông từ tin đồn trên mạng xã hội – Lấy chính trừ tà; Cơ chế minh bạch thông tin giảm thiểu rủi ro khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số; Lấp khoảng trống trong đào tạo quản trị truyền thông…
Điều quan trọng trong quản trị truyền thông, như ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Lê Bros chia sẻ: Chúng ta là con người và con người có thể mắc sai lầm. Khách hàng không mong đợi bạn hoàn hảo, chỉ cần minh bạch và trung thực. Họ mong bạn đối xử với họ như trong gia đình, như một phần trong cộng đồng của bạn, điều đó có nghĩa là đừng phản bội lại niềm tin của họ với kiểu lươn lẹo hay che giấu sự thật.
GS.TS Matthew Hibberb, Trưởng khoa Truyền thông Đại học Stirling (Vương quốc Anh) cho rằng: Truyền thông luôn đóng góp vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, cảnh báo, về những vấn đề toàn cầu: biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất, thiên tai, dịch bệnh…. và khi truyền tải thông tin đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sự kiểm soát và thích nghi cao.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi (Hội Nhà báo Việt Nam) nhận định: "Trong xã hội hiện đại, khi mà đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, nhất là một số tin đồn trên mạng khiến báo chí bị rơi vào “bẫy” mà không thể lường trước hậu quả. Do đó, khi đưa tin về doanh nghiệp, nhà báo luôn phải tỉnh táo để giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội. Nếu không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hoành” trên báo chí, vô hình dung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính tổn thương nặng nề. Còn về phía doanh nghiệp, không biết cách ứng xử trước những tin đồn thất thiệt sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu, điều quan trọng là bị thiệt hại nặng nề do những tin đồn thất thiệt gây ra”.
Lê Nhung/Lao động và Xã hội