Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: TTXVN)
Các mô hình điển hình đều ở cấp độ toàn quốc
Hôm nay 3/8 tại tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020 triển khai tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc và định hướng giai đoạn sau năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường,; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND của 14 tỉnh trong vùng và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Đây là hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới cấp vùng đầu tiên của cả nước để hướng tới tổng kết trên toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại tỉnh Nam Định.
Về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nói chung, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Nhiều chỉ tiêu đạt vượt mục tiêu. 84 huyện, thị của 37 tỉnh đạt nông thôn mới. Không còn điểm nào có xã dưới 5% tiêu chí. Nợ XDCB đã cơ bản không còn”.
Riêng tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng cho biết: Các mô hình điển hình đều ở cấp độ toàn quốc.
Trước đây chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng thì trong giai đoạn II đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những kết quả đó đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực miền núi phía bắc, nhất là từ năm 2017 đến nay.
“Vị trí, vai trò của người dân trong phát triển xây dựng nông thôn mới rất sáng tạo đã cho thấy sự trỗi dậy vươn lên ở vùng khó khăn nhất nước”- Bộ trưởng nói.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị (Ảnh: Thảo Nguyên)
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu rõ những bất cập, điển hình là giao thông của vùng yếu kém nhất nước, đây là lõi nghèo của cả nước, rất ít doanh nghiệp ở khu vực này.
Đến hết tháng 6 năm 2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%).
Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 01 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Có 07/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).
Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.
Cả vùng đã có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 84 đơn vị).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương 08/14 tỉnh hoành thành sớm mục tiêu trước 1 năm so với tiến độ được giao (Ảnh: Thảo Nguyên)
Đổi mới trong công tác chỉ đạo, tạo nên sự đột phá
Cũng theo Bộ NN&PTNT, qua 10 năm triển khai, công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền địa phương đã thay đổi tích cực. Một số địa phương đã sớm chủ động phê duyệt và triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Sơn La, Hòa Bình…), Đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm -OCOP (Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang…).
Lãnh đạo chủ chốt một số địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng như vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang…), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương (Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La…).
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc đổi mới trong công tác chỉ đạo đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực này, nhất là từ năm 2017 đến nay.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng Đề án “Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới thôn, bản của các xã khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi tỉnh Cao Bằng”, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2019.
Tham dự hội nghị có các Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường,; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND của 14 tỉnh trong vùng (Ảnh: TTXVN)
Được biết, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình từ 2011-2019 bằng khoảng 15,6% so với cả nước. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 2,66 lần so với giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn I) và chiếm khoảng 36% tổng vốn ngân sách Trung ương của cả nước.
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, có 7/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 là Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… cũng đã có đơn vị cấp huyện hiện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019.
Một số tiêu chí nổi bật là toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trong khu vực, 94,51% số thôn, bản có điện đã góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (nhất là chủ động về tưới), sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp,…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các gian trưng bày tại Hội nghị (Ảnh: Thảo Nguyên)
Xây dựng NTM cần chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa
Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương 08/14 tỉnh đã hoành thành sớm mục tiêu đến 2020 sớm hơn 01 năm so với tiến độ được giao (bao gồm: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Hòa Bình).
Những kinh nghiệm triển khai của các địa phương là cơ sở quan trọng để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý của Chương trình, nhất là việc lồng ghép được các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn lực khác, tập trung đầu tư cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã vượt khó thành công đạt được nhiều kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các khu vực khác cũng phải xây dựng nông thôn mới thành công.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương nghiên cứu, xem xét lại bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (19 tiêu chí), đề xuất liệu có cần phải sửa đổi, đồng thời tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về nông thôn mới cấp thôn, bản.
Về mục tiêu số thôn, bản đạt nông thôn mới tới năm 2025 làm sao để sát với thực tiễn. Về huy động phân bổ các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong đó mức hỗ trợ của trung ương cho các địa phương trong khu vực xây dựng nông thôn mới liệu đã phù hợp?
Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt một chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 để xây dựng phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc giáp biên giới. Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững chúng ta cần tiếp tục tập trung vào thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc xây dựng nông thôn mới cần phải chú trọng đến việc bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, bảo và giữ gìn môi trường cảnh quan, tránh tình trạng bê tông hóa, đô thị hóa nông thôn.
Thảo Nguyên - Thanh Nhung