Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường
Hiện nay, mặc dù xã hội đang ngày càng phát triển, môi trường giáo dục cũng ngày càng đổi mới và hiện đại hơn, nhưng vấn nạn BLHĐ vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi và gây nên những hậu quả nặng nề. Chính vì vậy, Đoàn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã phối hợp với Ban Tư vấn tâm lí học đường tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường” nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh về BLHĐ là điều vô cùng cần thiết.
Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo, giáo viên nhà trường cùng đại diện Ban Tư vấn tâm lý học đường, Ban chấp hành Đoàn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và hơn 60 đại diện học sinh đến từ các lớp. Đông đảo học sinh của nhà trường cũng đã tích cực chia sẻ và theo dõi diễn đàn qua live stream ở fanpage Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Cô giáo Phạm Thị Thúy Hằng, đại diện Ban Tư vấn tâm lý học đường của trường đã phân tích những vấn đề liên quan đến vấn nạn bạo lực trong trường học, cung cấp kiến thức qua những trò chơi thú vị, hấp dẫn và bổ ích. Từ đó, giúp học sinh hiểu rõ hơn về vấn nạn này, biết được nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng tránh, ngăn chặn nó trong môi trường học đường.
Diễn đàn là cơ hội để các em học sinh được lắng nghe và thể hiện quan điểm, tháo gỡ những khúc mắc và cùng nhau xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, từng bước đẩy lùi BLHĐ, để trường học luôn là ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng các em về cả tri thức lẫn tâm hồn. Bên cạnh đó, đại diện các khối đã tham gia cuộc thi tìm hiểu, nâng cao kiến thức về vấn nạn BLHĐ đã có những màn thể hiện rất xuất sắc ở từng nội dung.
Ở phần thi Tiểu phẩm tuyên truyền, các đội cũng đã sáng tạo và trình diễn những tiểu phẩm hấp dẫn nhằm hưởng ứng khẩu hiệu “Nói không với bạo lực học đường”, đồng thời đưa đến những thông điệp hết sức sâu sắc và ý nghĩa. Kết quả chung cuộc, đội thi Khối 11 đã giành chiến thắng, Giải Nhì thuộc về đội thi Khối 12 và Giải Ba thuộc về đội thi Khối 10.
Cũng trong chiều cùng ngày, đại diện học sinh đã ký bản cam kết “Phòng chống bạo lực học đường”, quyết tâm chung tay ngăn chặn vấn nạn này và bảo vệ, giữ gìn môi trường học đường thân thiện, lành mạnh.
Những giải pháp của Bộ GD&ĐT trong vấn nạn bạo lực học đường
Trước đó, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng BLHĐ, Bộ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản khác có liên quan... Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng, kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi BLHĐ; phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống BLHĐ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLHĐ cho học sinh; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trường học. Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh thân thiện; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, Tôn trọng, Trách nhiệm, Hợp tác, Trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình...
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
Song song đó, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm...
Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội, trong đó tỷ lệ trẻ từ 14 đến dưới 18 tuổi phạm tội giết người chiếm đến 17%.
Những số liệu trên thực sự là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này. Do đó, việc tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường” của Đoàn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh là việc làm hết sức cần thiết và cần được nhân rộng.