Trong cuộc sống, bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần để mọi người cùng thưởng thức những món ăn ngon, đây còn là nơi tụ hợp, gắn kết các thành viên, cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, tạo nên không khi gia đình nồng ấm, xua tan những mệt nhọc lo toan trong cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay với cuộc sống hối hả, bữa cơm gia đình với đông đủ thành viên dần ít đi, từ đó sự liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Hà My, sinh sống tại TP.HCM cho biết, dẫu cuộc sống bộn bề, gia đình chị vẫn giữ truyền thống sinh hoạt với những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau. Bước vào bữa ăn tối, gia đình chị luôn giữ thói quen không sử dụng điện thoại, dành toàn bộ thời gian đó cùng ăn cơm và trò chuyện với nhau. “Thật ra chỉ cần chúng ta hiểu các thành viên trong gia đình, ai thích ăn món gì thì việc đi chợ sẽ không mất quá nhiều thời gian. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ chúng ta dành thời gian đó ngồi ăn cùng nhau thì tất cả thành viên trong gia đình đều cảm nhận được tình yêu, sự ấm áp và kết nối với nhau dễ hơn”, chị Hà My chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm – Chuyên gia Tâm lý cho biết, bữa cơm gia đình chỉ là bước đệm cho sự sum vầy gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là việc cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng, mà đó là nơi các thành viên có thể trao đổi, lắng nghe và chia sẻ giúp hiểu nhau hơn. Điều đó làm chúng ta cảm thấy được yêu thương, và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Khi có những bữa cơm gia đình cùng nhau, mỗi người chúng ta luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, được trút bỏ mọi cảm xúc tiêu cực bên ngoài cuộc sống. Để trở về nhà cùng ăn bữa cơm, cùng chia sẻ với nhau và rồi thứ ta nhận lại là sự thấu hiểu, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó giúp khoảng cách giữa ông bà, cha mẹ, con cái được gần hơn, tình cảm gia đình ngày càng được vun đắp sau những bữa cơm đoàn tụ.