Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Ảnh: Ngô Linh
Chủ động nhân rộng mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em
Để tăng cường hiệu quả dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em. Các cấp cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành Y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Trong thời gian qua, ngoài việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan, các ngành, địa phương còn triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cùng với đó, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành công tác trẻ em các cấp, chủ động nhân rộng mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em...
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 14/UBND-TCTM về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, tập trung lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em các cấp, duy trì và phát huy tốt vai trò, chức năng của các Văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng, trường học; Tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu; Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn, nhằm cải tạo môi trường sống, bảo đảm an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Mở rộng xây dựng và triển khai mô hình điểm Hệ thống Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; Đưa nội dung kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em, giáo dục giới tính vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, phát triển mô hình điểm tham vấn trẻ em trong trường học, cung cấp số điện thoại nóng để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em; Quản lý chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hộ kinh doanh dịch vụ Internet, đồ chơi, văn hóa phẩm không lành mạnh, gây tác động xấu đến trẻ em; Khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và giám định tổn thương cho trẻ em bị xâm hại.
Tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học. Ảnh: Tân Lạc
Nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng
Anh Lê Quang Toàn, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: Xã Kim Quan, Xuân Vân là hai địa phương của huyện thành lập Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” từ năm 2016. Ngay từ khi mới thành lập, Mô hình đã thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia. Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” tại xã Xuân Vân, Kim Quan đã bước đầu phát huy hiệu quả. Trong các gia đình, cha mẹ được đi học tập, tìm hiểu kiến thức về: Luật Trẻ em, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Các bậc cha mẹ được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại…
Bên cạnh đó, hằng tháng, đội ngũ cộng tác viên Mô hình đến từng gia đình, nhất là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt để tuyên truyền về cách phòng ngừa cho trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; cách chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực, xâm hại. 100% trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực được tư vấn tâm lý - xã hội, được hỗ trợ trực tiếp về y tế, giáo dục. Những hoạt động thiết thực của mô hình đã huy động cán bộ, nhân dân địa phương tham gia hiệu quả vào việc phòng ngừa, loại bỏ, giảm thiểu các nguy cơ; kịp thời trợ giúp, phục hồi cho trẻ bị tổn thương, tạo cơ hội cho trẻ được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện cả thể chất, nhận thức, tình cảm và đạo đức.
Mỹ Xá là xã ngoại thành TP. Nam Định đang trong quá trình đô thị hóa nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh một số vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em, đầu năm 2015, được sự quan tâm của Sở LĐTBXH, UBND xã Mỹ Xá đã triển khai xây dựng Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng”.
Triển khai xây dựng mô hình, Ban chỉ đạo thực hiện Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” xã Mỹ Xá nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em và các nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em bị tổn thương, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng... UBND xã phối hợp với Phòng LĐTBXH thành phố và Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH) tổ chức gặp mặt, nói chuyện chuyên đề với trẻ em và người chăm sóc trẻ em thuộc hộ nghèo, gia đình có trẻ em thuộc diện nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại. UBND xã tổ chức diễn đàn, gặp mặt, trao đổi với trẻ em và gia đình có trẻ em có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại, huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em.
Đến nay, Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” xã Mỹ Xá đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhận thức và ý thức của cán bộ, nhân dân, nhất là trẻ em và người chăm sóc trẻ trong việc chủ động phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực đã có những thay đổi tích cực.
Thành Sơn/TC GĐ&TE