Các nhà báo viết về trẻ em tác nghiệp.
Điểm qua những “căn bệnh” của báo chí hiện nay
Trong xã hội hiện đại, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nói một cách ngắn gọn thì nếu không có báo chí, cuộc sống sẽ ảm đạm và hỗn loạn, những lực lượng xấu, lực lượng “đen” sẽ thao túng cuộc đời này. May thay, báo chí ngày càng phát triển và khẳng định vai trò “hiệp sĩ” của mình ở khắp mọi nơi.
Tôi nói về những mặt mạnh của báo chí ngắn gọn như vậy thôi. Ở đây, tôi chủ yếu chỉ ra những “căn bệnh” của báo chí để mong mọi người tập trung “chữa bệnh” để báo chí ngày càng khỏe mạnh.
“Căn bệnh” dễ thấy nhất, phô bày ra thường xuyên là việc dễ dãi, nông cạn, nhàm chán trong việc đưa tin, viết bài về hoạt động giải trí liên quan đến các văn nghệ sĩ. Đây là vấn đề hấp dẫn, nhiều người quan tâm và có thể nói là khá dễ viết. Vấn đề đặt ra là phải viết thế nào cho lịch lãm, sâu sắc thì nhiều nhà báo chỉ dừng lại ở mức ca ngợi một cách nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại những câu khen cũ kỹ. Cái đấy đã chán nhưng chưa ngán ngẩm bằng việc các nhà báo săm soi văn nghệ sĩ ăn mặc như thế nào, nói năng những gì và giật những cái tít thật sốc. Kỳ lạ là họ nói về “chân ngắn, chân dài” ăn mặc hở hang mãi mà không biết chán.
Một “căn bệnh” nữa cũng dễ thấy, nhưng ngược lại với “căn bệnh” thứ nhất là sự gay gắt thái quá khi viết về những chính khách, doanh nhân mắc sai lầm, vướng rắc rối. Ở đây, một số nhà báo cho mình quyền phán xét quá lớn. Họ gần như thay mặt cơ quan điều tra, xét xử để buộc tội một số người mới bị nghi ngờ có sai phạm. Của đáng tội, dư luận xã hội rất mong muốn những kẻ tham nhũng, lừa đảo phải bị xử lý mạnh tay. Vì thế, các nhà báo cũng hơi chiều dư luận đâm ra “mắc bệnh”.
“Căn bệnh” thứ ba của báo chí liên quan đến kinh tế. Đây là giai đoạn nhiều tòa soạn báo gặp khó khăn trong phát hành, quảng cáo, vì thế thu nhập giảm. Để tăng thu nhập, họ thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có những biện pháp dễ làm các nhà báo tha hóa như ép các doanh nghiệp phải ký hợp đồng quảng cáo, nếu không sẽ bị… “bêu xấu”. Rồi một số nhà báo ngấm ngầm tống tiền các tổ chức, cá nhân. Những người bị lộ, bị bắt chỉ là số nhỏ mà thôi. Có thể thấy,vì lý do kinh tế, xu hướng báo chí bị thương mại hóa ngày càng rõ ràng. Nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử, cố gắng có những thông tin và cách đưa tin ăn khách nhất. Thế là từ một sự việc nhỏ của một cá nhân hay tổ chức nào đó, họ mở rộng ra, khai thác cả những gì liên quan đến dòng họ, gia đình, đời tư… để kéo độc giả.
Từ những “căn bệnh” trên, báo chí lộ rõ một số yếu kém rất đáng tiếc. Đó là việc đưa tin sai, tin không chính xác về một số vụ việc quan trọng. Điều này làm giảm niềm tin của độc giả vào báo chí - “điểm tựa” rất quan trọng của nhân dân hiện nay. Việc một số cơ quan báo chí và nhiều nhà báo bị xử lý kỷ luật cũng đã nói lên những vấn đề nổi cộm của báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là việc liệu báo chí Việt Nam trong thời hội nhập có tỏ rõ được trình độ và bản lĩnh của mình hay không?
Điều này không chỉ phụ thuộc vào việc các nhà báo phải tuân thủ pháp luật, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, mà còn phải hiểu và tôn trọng những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo trong quá trình tác nghiệp.
Tác nghiệp ở sân trường.
Tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo dựa vào cái đẹp
Không ít người băn khoăn và hỏi thẳng: “Vậy tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo là những thứ gì vậy? Làm thế nào để có chúng?...”. Phải nói ngay rằng, tất các các cơ sở đào tạo báo chí trên thế giới, không có cơ sở nào có môn học trực tiếp tạo ra những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ của nghề báo được hình thành trong quá trình tích hợp nội dung nhiều môn học, đặc biệt là các môn học chuyên ngành báo chí. Rồi khi ra trường, trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo có lương tri hiểu và tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Dựa trên thực tế hoạt động báo chí, một số tổ chức đề ra những nguyên tắc có thể xem là nền tảng của các tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo. Loại văn bản này không được xem là văn bản pháp quy, chúng chỉ là những định hướng trong hoạt động nghề báo. Những người tôn trọng những nguyên tắc này luôn được xem là người hiểu biết và tôn trọng những tiêu chuẩn mỹ nghề nghiệp.
Có thể nói, những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo được “chắt” ra từ những bộ luật (trong đó có Luật Báo chí) và những bản quy tắc đạo đức nghề báo. Trên thế giới, luật lệ thì nhiều, Luật Báo chí ít thôi (chỉ khoảng trên 20 quốc gia có luật này), còn những bản quy tắc đạo đức có tới hàng ngàn. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo được xây dựng dựa trên cái đẹp, hành động vì cái đẹp và tạo ra những vẻ đẹp. Vì vậy, những tiêu chuẩn này có thể do tổ chức, hoặc cá nhân tự xây dựng nên.
Trong nghề báo, tiêu chuẩn thẩm mỹ đầu tiên là tôn trọng sự thực và thể hiện tính trung thực. Thứ hai là đề cao trách nhiệm xã hội và đấu tranh vì cái thiện. Thứ ba là tôn trọng các giá trị phổ quát và tính đa dạng của các nền văn hóa. Thứ tư là chống chiến tranh và các tệ nạn khác. Thứ năm là tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng. Thứ sáu là tôn trọng quyền riêng tư và nhân phẩm con người. Thứ bảy là bảo vệ bí mật và an toàn của những người cung cấp thông tin. Thứ tám là không đưa tin và hình ảnh một cách phản cảm. Thứ chín là ủng hộ trật tự thông tin - truyền thông mới trên thế giới. (“Những nguyên tắc thẩm mỹ nghề nghiệp” của Liên đoàn Nhà báo quốc tế).
Trên đây là một số những tiêu chuẩn thẩm mỹ mà chúng ta có thể bắt gặp trong nhiều bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các cơ quan báo chí. Tôn trọng chúng, các nhà báo luôn tỏ ra đáng tin cậy trong cuộc đời.
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE