Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xe đạp vào Quốc hội

Chuyện ông giáo trường làng Đỗ Hữu Đậu, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa III đến nay vẫn là một vinh dự lớn, niềm tự hào của người dân xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, thời kỳ đó, mỗi lần Đại biểu Quốc hội đi tham dự kỳ họp của Quốc hội như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Năm nay vị nguyên Đại biểu Quốc hội khóa III (1964-1971)  Đỗ Hữu Đậu đã bước sang tuổi 88, sức khỏe dù đã yếu nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Khi chúng tôi nhắc đến và đề nghị ông kể lại những câu chuyện thời ông là Đại biểu Quốc hội thì dường như ông quay lại thời tuổi trẻ, ông hào hứng kể: “Tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội năm 34 tuổi, lúc đó tôi đang là Hiệu trưởng trường cấp 1-2 Đô Lương. Khi tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội, địa phương và gia đình cũng rất đỗi tự hào, nhưng ngày đó không như bây giờ, bởi chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là nhiệm vụ Đảng giao và phải hoàn thành nhiệm vụ”.

Nguyên đại biểu Quốc hội Đỗ Hữu Đậu

Ngày đó, đi họp Quốc hội đâu có rình rang, xe đưa, xe rước như bây giờ. Đâu có được báo chí loan tin nhanh chóng như bây giờ, vì thời kỳ đó việc họp Quốc hội vẫn chưa được công khai như hiện nay. “Sau mỗi kỳ họp, đến khi đại biểu chúng tôi về đến nhà vài ngày rồi Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân mới đưa tin”, ông Đậu nói.

Đến ngay việc đưa giấy triệu tập kỳ họp tới các đại biểu, người đưa công văn cũng phải đưa vào ban đêm. Đến khi đại biểu đi họp thì chỉ duy nhất tổ chức biết đi đâu, làm gì. Chính việc không công khai như vậy nên gần như không có việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp như hiện nay. Việc tiếp xúc với cử tri thời kỳ đó chỉ là phổ biến những chính sách mà Quốc hội đã thông qua và động viên nhân dân thực hiện.

Các vấn đề Quốc hội bàn thời điểm đó thường là việc phát triển kinh tế Hợp tác xã ở miền Bắc và công tác liên quan đến công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc thảo luận trong Quốc hội thời kỳ đó cũng hạn chế. Quốc hội lúc đó chỉ là thông qua các đường lối, chính sách của Nhà nước. Nếu có phát biểu thì tổ thảo luận, sau đó thống nhất giao cho đồng chí trưởng đoàn đại biểu phát biểu.

Theo ông Đậu, thời gian diễn ra hai kỳ họp trong năm của Quốc hội vẫn diễn ra như hiện nay là vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm, với từ 7 – 10 ngày làm việc.  “Ngày đó, đi họp Quốc hội, các đại biểu phải tự đạp xe lên Hà Nội để tham dự kỳ họp. Với các đại biểu ở tỉnh xa thì phải đi nhiều ngày mới đến Hà Nội. Đoàn Đại biểu Thái Bình của chúng tôi nhanh thì cũng đi mất một ngày” – Ông Đậu hồi tưởng.

Lên đến Hà Nội, các đại biểu được bố chí ăn ngủ tập trung tại khách sạn Dân chủ và Nhà khách Chính phủ. Nhưng các đại biểu phải nộp phiếu ăn do đơn vị mình đang công tác cấp. Và hàng ngày đạp xe đến Hội trường Ba Đình để dự họp.

“Do vậy, mà mỗi khi bước vào tháng của kỳ họp là chúng tôi phải bảo dưỡng xe đạp, đảm bảo trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp chiếc xe không trở bệnh gì” - Ông vừa cười vừa hào hứng kể.

Dù là đại biểu Quốc hội, nhưng các chế độ thời kỳ đó gần như các đại biểu không có sự ưu tiên nào. Nếu đại biểu không có xe thì mượn hoặc đi nhờ đại biểu cùng huyện của mình. Nếu có xe đạp, nhưng nếu đúng thời điểm đi họp mà bị hỏng một bộ phận gì đó cũng không có sự ưu tiên nào mà phải sang nói khó với bộ phận Thương mại – Mậu dịch bán cho để có đồ thay thế. Nhiều khi bên Thương mại – Mậu dịch hết hàng thì lại phải đi tìm xem tronng dân ai có thì mua mà để thay thế.

Nhớ lại những ngày tham gia đại biểu Quốc hội, ông Đậu xúc động chia sẻ: “Kỷ niệm mà đến nay tôi nhớ nhất trong đời làm đại biểu Quốc hội của mình là tại kỳ họp thứ 11. Đây là kỳ họp đầu tiên vắng Bác Hồ. Buổi khai mạc kỳ họp lần đầu tiên không có Người xuất hiện, phát biểu chào mừng, định hướng cho kỳ họp, cả hội trường gần như lắng xuống vì thiếu Bác”. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước và bầu đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Phó Chủ tịch nước.

Phát huy nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, dù năm nay đã gần 90 tuổi nhưng ông Đỗ Hữu Đậu vẫn luôn vận động con cháu trong gia đình thực hiện theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; ông vẫn luôn có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho Đảng và chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đây chính là những nhân tố, những hạt nhân làm nên phong trào trong nhiều thời kỳ và quá trình hình thành nên những thành tựu để xứng danh với danh hiệu Anh hùng LLVT của Đảng bộ, quân và dân xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình mà Đảng và Nhà nước trao tặng.