Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng
Theo số liệu của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.514, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp. Tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp.
Ước tính số người nhiễm mới HIV trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi nhiễm HIV và trẻ em nhiễm mới là 268 trẻ. Số người nhiễm mới người lớn giảm 64% so với năm 2010. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.
Kết quả Giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm MSM là 12,2% và Phụ nữ bán dâm là 3,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích và túy thay đổi không đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015, lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017.
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao, như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy sẽ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại do khó khăn xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm. Một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng do người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư cao nhưng chưa được xét nghiệm phát hiện địa bàn trọng điểm về dịch HIV/AIDS.
“Các tỉnh thành phố các khu vực đô thị, nơi có sự giao thương về kinh tế, văn hóa và nơi tập trung nhiều các trung tâm đào tạo cần quan tâm nhiều đến truyền thông, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV trong nhóm MSM. Các khu vực trung du, miền núi nơi địa bàn có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên 0,5% đối với tuyến xã, có nhiều người nhiễm HIV tử vong do AIDS, tỷ lệ điều trị thấp cần chú trọng hơn trong công tác xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV”, TS Nguyễn Hoàng Long cảnh báo.
Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sẽ báo cáo Chính phủ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu
Theo Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, năm 2018, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS luôn được cập nhật, sửa đổi, phát triển mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển đổi thành công mô hình điều trị ARV chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị ARV do bảo hiểm chi trả. Đến nay đã có 89% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Các mô hình xét nghiệm HIV cũng được đa dạng hóa. Trong đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV, trong ba năm qua Bộ Y tế đã mở rộng các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Việc mở rộng điều trị Methadone, triển khai mạnh các hoạt động phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cũng đã làm thay đổi nhận thức, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ở các nhóm nguy cơ cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cảnh báo, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm.
Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương….
“Mục tiêu 90-90-90 nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước mắt, các địa phương cấp xã để xảy ra tình trạng gia tăng người nhiễm mới HIV hoặc người nhiễm HIV tử vong do AIDS sẽ báo cáo Chính phủ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu có trách nhiệm từ cấp tỉnh xuống xã.”- Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết.