Ảnh minh họa
Việc xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện dựa trên các tiêu chí quy định. Tổng điểm cho các tiêu chí xếp hạng là 100 điểm và điểm phân bổ cho từng tiêu chí như sau:
1. Vốn: 10 điểm.
2. Chất lượng tài sản: 30 điểm.
3. Năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát: 30 điểm.
4. Kết quả hoạt động kinh doanh: 10 điểm.
5. Khả năng chi trả: 20 điểm.
Quỹ tín dụng nhân dân được xếp vào các thứ hạng như sau: Hạng A (Tốt) có tổng điểm xếp hạng từ 80 điểm trở lên; Hạng B (Khá) có tổng điểm xếp hạng từ 70 điểm đến dưới 80 điểm; Hạng C (Trung bình) có tổng điểm xếp hạng từ 60 điểm đến dưới 70 điểm; Hạng D (Yếu kém) có tổng điểm xếp hạng dưới 60 điểm.
Trường hợp quỹ tín dụng nhân dân có từ 1 tiêu chí hoặc từ 2 tiêu chí thành phần trở lên ở bất kỳ tiêu chí nào bị chấm điểm “0” thì thứ hạng bị giảm một bậc.
Quy trình xếp hạng
Trước ngày 30/4 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng hoàn thành việc xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân của năm trước.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Trước ngày 15/6 hằng năm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chủ trì thẩm định, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định phê duyệt kết quả xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân để gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện giám sát theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thông báo kết quả xếp hạng cho từng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Quỹ tín dụng nhân dân phải quản lý kết quả xếp hạng theo chế độ mật và không được cung cấp kết quả xếp hạng của mình cho tổ chức, cá nhân ngoài quỹ tín dụng nhân dân.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017.