Nữ du khách bị giật chiếc túi xách ở Sài Gòn.
Nữ du khách và bạn trai cố giằng lại nhưng vô vọng. Bàng hoàng bị giật mất tiền, mất giấy tờ tùy thân, cô gái đến từ xứ sở ngàn lẻ một đêm hoảng loạn đến ngất lịm. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc truy bắt 2 tên cướp, thu tài sản trả lại cho nạn nhân. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ngày 16/3, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch cùng đại diện công an, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão tổ chức xin lỗi nữ du khách Ai Cập.
Nữ du khách trẻ tuổi người Ai Cập rưng rưng xúc động trước thái độ cầu thị của những người có trách nhiệm ở thành phố mang tên Bác. Nhiều người xem đó như một nét đẹp của đời sống. Xin lỗi là văn hóa, là sự cầu thị thân thiện, nhưng đó cũng chỉ là cái ngọn, còn cái gốc: Tình hình trật tự an ninh, xem ra vẫn là bài toán khó của thành phố Hồ Chí Minh. Bởi đúng chục ngày, sau vụ cướp túi xách của nữ du khách Ai Cập, 4 giờ 30 sáng 21/3, ngay chính tại phường Phạm Ngũ Lão lại xảy ra vụ cướp tài sản của người ngoại quốc, 2 tên cướp đèo nhau bằng xe máy giật túi xách của một phụ nữ Nga đang đi bộ trước số nhà 175, đường Phạm Ngũ Lão.
“Bổn cũ” của bọn tội phạm lại được “soạn lại”, 2 tên đi xe máy, cướp giật túi xách của phụ nữ ngoại quốc. Không rõ lần này lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo, có tổ chức xin lỗi nữ công dân Nga, như đã xin lỗi nữ công dân Ai Cập?.
Nhưng dẫu có tổ chức mà tội phạm vẫn hoành hành; gây cho dân sự lo lắng, bất an; làm cho xã hội bức xúc, nhức nhối, thì lời xin lỗi cũng trở nên nhạt nhẽo, phản tác dụng.
Với phương châm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không làm theo kiểu ăn xổi. Đặc biệt là với công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, không thể làm theo phong trào, làm theo chiến dịch, mà đây là cuộc chiến phải thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ và thường xuyên liên tục của các cấp chính quyền, của các cơ quan chức năng, của toàn xã hội.
Phòng, chống tội phạm không phải là trò hô hào, a dua theo phong trào, giải quyết dăm ba sự vụ nhỏ nhặt, càng không phải làm để báo cáo thành tích, để “ghi điểm”, “đánh bóng”, mà phải làm thực chất, làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm cho bọn tội phạm không còn chốn dung thân. Xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh, để cho dân tin, dân yêu, dân tự giác vào cuộc với cơ quan công quyền.
Cổ nhân có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lời xin lỗi cũng như sơn tốt, sơn đẹp cực kỳ quan trọng và cần thiết. Nhưng cái quan trọng hơn, chính là xã hội bình an. Khi trật tự an ninh xã hội chưa được bảo đảm, thì một lời xin lỗi, hay cả ngàn lời xin lỗi cũng trở thành vô nghĩa. Hãy biến lời xin lỗi thành hành động thiết thực, đừng để gió cuốn bay!.