Chúng ta học để làm người chứ không phải làm người để học. Ảnh minh hoạ: huc.edu
Xung quanh câu chuyện học giỏi mà vẫn thất nghiệp, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương.
Có một thực tế là nhiều sinh viên gần như không biết đến cuộc sống ngoài cổng trường, thờ ơ với cộng đồng. Có vẻ ngành giáo dục vẫn chưa dành nhiều quan tâm tới chuyện này?
Sự thờ ơ đó khiến sinh viên thiệt thòi nhiều lắm: thiếu hụt kiến thức thực tế, các bạn ấy không tạo dựng được một nền tảng, hay những mối quan hệ công việc (hiện tại và tương lai). Tham gia công tác xã hội từ sớm là cơ hội để rèn kỹ năng sống, mà sau này khi đã ra đời, dù đồng lương có cao mấy cũng không thể mang lại được.
Không chỉ ở trường đâu, nhiều bố mẹ cũng không ủng hộ con làm các công việc xã hội, những việc không được trả công.
Có những sinh viên hơn một năm học ở TPHCM mà bảo đi từ quận Bình Thạnh lên quận 1 không biết đường. Vì với các bạn ấy, học chăm chỉ, điểm cao như bố mẹ khuyên, thầy cô giáo khen là được rồi. Tôi dám chắc, những sinh viên đó khi ra đời sẽ rất thụ động và chỉ là những con gà công nghiệp.
Giữa đam mê và kiến thức thứ nào quan trọng hơn?
Tôi từng dạy một sinh viên rất đam mê thời trang, nhưng bố mẹ bắt học Ngoại thương. Lúc đó em ấy đã học năm 3, tôi khuyên: còn một năm nữa thì cố đi cho xong, sau tự chủ được rồi chuyển cũng không muộn. Đúng 10 năm sau em đó đã mở một cửa hàng thời trang hoành tráng, đã đi thi được giải với các nhà thiết kế của Pháp.
Không bao giờ muộn để theo đuổi đam mê.
Nhiều phụ huynh than thở, với những đứa trẻ không ham học thì phải làm thế nào?
Chúng ta học để làm người chứ không phải làm người để học.
Nếu chúng ta để con cái làm gì tùy thích, nói gở, nhỡ chúng nó trượt đại học thì chỉ có nước đi làm công nhân à?
Làm công nhân có gì là sai, có gì là xấu hả chị?
Có lẽ Việt Nam là một trong những nơi mà tỷ lệ người ao ước vào đại học cao nhất. Bởi vậy mới có nhiều trường đại học đến nỗi 3 điểm/môn cũng vào được đại học. Những ngôi trường mở ra chỉ để người học có cái mác đại học như thế, khi ra trường thử hỏi sinh viên sẽ làm được gì, rồi lại quay ra trách trường, trách Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng ta bị cái nhìn của người khác chi phối, điều khiển đến mức làm gì cho riêng mình cũng băn khoăn hỏi, người khác sẽ nói gì, bình luận gì. Thử hỏi đã ai sống hộ được cho ai. Suy nghĩ và ý kiến của người khác chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi. Mình hãy sống tốt cho mình đi đã.
Không ít cha mẹ mặc định rằng, ra nước ngoài du học, có tấm bằng nước ngoài cấp là giỏi giang ắt sẽ có thu nhập cao.
Cái này phụ thuộc hai yếu tố.
Thứ nhất, là bản thân bạn trẻ đó có muốn đi du học hay không? Nếu cứ ép con trẻ làm điều chúng không muốn sẽ không đem lại kết quả gì đâu. Tương tự việc chọn nghề cũng vậy. Các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn chọn ngành nghề gì mình đam mê đeo đuổi.
Thứ hai, là điều kiện. Đừng có dại mà cắm nhà, cắm đất vay mượn tiền đi du học bằng mọi giá. Nhiều khi bố mẹ cứ cố dành cho con những điều tốt đẹp nhất (theo suy nghĩ của họ) nhưng lại vô tình đặt cho chúng một gánh nặng, một món nợ.
Không có công thức chung, học ở đâu do điều kiện và lựa chọn của từng gia đình và mỗi người. Cái là mỗi người, mỗi gia đình phải tự biết.
Xin cảm ơn chị Nguyễn Hoàng Ánh đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.