Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xoá bỏ ngôn từ độc hại, rất cần ý thức của mỗi học sinh

Hậu quả của việc học sinh thường xuyên sử dụng ngôn từ tục tĩu trong giao tiếp hàng ngày về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính cách và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ bạo lực học đường.

Nhóm học sinh nam một rường THPT ở Hà Nội ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngay trước cổng trường.

Nhóm học sinh nam một rường THPT ở Hà Nội ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngay trước cổng trường.

Vui, buồn, bực bội đều nói tục

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường học đều có nội quy cấm học sinh nói tục, chửi thề, chửi bậy. Tuy nhiên, những quy định này không có nhiều tác dụng khi tình trạng học sinh nói tục, chửi bậy ngày càng gia tăng và lan rộng trong môi trường học đường. Theo đánh giá của những người làm công tác giáo dục, hiện nay dù là trường học ở thành phố hay ở nông thôn thì đa phần học sinh vẫn nói bậy. Và dù phụ huynh là người lao động chân tay hay trí thức thì con cái của họ đa phần cũng đều có chửi thề.

T. - học sinh lớp 11 ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Nói tục, chửi thề ở học sinh bây giờ giống như một trào lưu. Học sinh nào cũng nói tục, không nhiều thì ít. Vui cũng nói, buồn cũng nói và khi bực lên thì nói những câu rất kinh khủng. Quen rồi nên nhiều khi đứng trước thầy cô, có bạn lỡ miệng cũng nói bậy và đã bị phạt.

Một nữ sinh lớp 11 ở Hà Nội khi chia sẻ về việc học sinh nói bậy cũng thừa nhận, nói bậy là xấu và nhiều khi chỉ là thấy các bạn nói mà mình không nói thì sẽ bị chê là “đụt”, là “kém tắm” và sẽ bị cô lập.

Chia sẻ về vấn đề này, một học sinh lớp 12 ở quận Bình Tân (TP. HCM) cho biết, ở nhà thì đa số các bạn không dám nói tục, nhưng đến trường, ngồi với các bạn thì nói tục… chỉ là chuyện nhỏ. “Ở nhà không có ai nói bậy nên em cũng không dám vì sợ bố mẹ la. Còn đến lớp thì các bạn nói nhiều nên em thấy bình thường, miễn là đừng để giáo viên nghe thấy. Ở trên mạng người ta còn lập ra nhóm chửi để kiếm tiền nữa cơ” - nữ sinh này chia sẻ.

Đúng như học sinh này chia sẻ, những ai theo dõi mạng xã hội hẳn sẽ nhận ra hiện nay trên nền tảng các ứng dụng như Facebook, TikTok thường xuyên xuất hiện các clip văng tục, chửi thề. Bất kể mâu thuẫn nào trong đời sống cũng đều được “tục hoá” nhằm mục đích câu like, câu view để kiếm tiền.

Hàng loạt những "biệt danh" như: "Thánh chửi", "Nữ hoàng chửi thề", "Hot girl chửi tục"… xuất hiện khắp các trang mạng xã hội. Đáng lo là các clip chửi bậy, tục tĩu này lại thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn lượt theo dõi và mang lại một khoản tiền không nhỏ cho “người chửi”, đồng thời còn biến họ thành thần tượng của không ít học sinh muốn làm theo.

Từ bạo lực ngôn từ sẽ dấn đến các hành vi bạo lực thể xác trong môi trường học đường.

Từ bạo lực ngôn từ sẽ dấn đến các hành vi bạo lực thể xác trong môi trường học đường.

Rất cần ý thức của mỗi học sinh

Thầy Hoàng Công Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhìn nhận đây là một thực trạng đáng buồn, bởi các hiện tượng tiêu cực không bị phê phán mà ngược lại còn được giới trẻ, học sinh tung hô, hưởng ứng và làm theo. Điều này khiến việc giáo dục, ngăn chặn, hay kỷ luật học sinh vi phạm quy định còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao.

Thầy Nghĩa cho biết, mặc dù ngay trước cửa Trung tâm có treo một bảng nội quy cho học sinh, trong đó, vấn đề nói tục, chửi thề của học sinh là một điều cấm. Nếu học sinh nào vi phạm sẽ xử phạt theo quy định của Trung tâm đề ra. Thế nhưng, việc cấm vẫn cấm, học sinh vẫn cứ vi phạm. Nhiều học sinh viết bản kiểm điểm hứa sẽ không tái phạm, nhưng vừa viết xong lại chứng nào tật đó...

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia về giáo dục cũng cho rằng, tình trạng học sinh chửi thề, nói bậy ngày càng nhiều, nguyên nhân không chỉ từ giáo dục gia đình và nhà trường mà còn nằm ở chính các em. Ở trường, chẳng thầy cô nào dạy học sinh điều xấu cả. Thầy cô nào cũng muốn học sinh của mình học tốt, đạo đức tốt. Ở gia đình, cho dù không phải phụ huynh nào cũng gương mẫu, nhưng tất cả đều mong con mình luôn lễ phép, nghe lời, kính trên nhường dưới. Chẳng cha mẹ nào lại muốn nghe con mình nói tục, chửi thề và trở thành đứa trẻ xấu. Do đó, để giải quyết tình trạng này rất cần ý thức, sự tu dưỡng của từng cá nhân học sinh.

Học sinh cần được phổ biến để tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có quy định không được nói tục, chửi bậy. Ảnh minh họa.

Học sinh cần được phổ biến để tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có quy định không được nói tục, chửi bậy. Ảnh minh họa.

Chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn cho rằng, tình trạng học sinh văng tục, chửi thề có thể được kiềm chế tại gia đình nhưng rất khó để kiểm soát trong môi trường học đường và ngoài xã hội. Nhất là hàng ngày các em dùng thiết bị công nghệ để lướt Facebook, xem TikTok, YouTube, game online, và tương tác với đủ mọi tin tức tốt, xấu cùng với ngôn ngữ "thượng vàng hạ cám" cũng khiến việc sử dụng những ngôn ngữ thiếu lịch sự, tục tĩu, phản cảm đang có xu hướng lan rộng và trở thành ngôn ngữ cửa miệng trong giới trẻ, học sinh hiện nay. Thậm chí, còn có tình trạng em nào không biết nói bậy thì không phải người sành điệu, bị bạn bè cô lập, không cho chơi cùng.

Ngoài ra, sự đa dạng về ngữ nghĩa trong tiếng Việt cũng biến một số từ đơn lẻ mang ý nghĩa tục tĩu ở vùng miền này lại trở thành bình thường ở địa phương khác và từ đó lại trở thành “tấm khiên” biện hộ cho hành vi nói tục, phân biệt vùng miền và quấy rối tình dục trong trường học.

Chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn lưu ý: “Câu chuyện nữ sinh lớp 12 ở Khánh Hoà văng tục, xúc phạm thầy giáo ngay trong giờ học cùng những vụ nữ sinh bị bạn chửi bới, đánh đập dã man xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua cũng phần nào cho thấy thực trạng đáng lo ngại về thói quen sử dụng ngôn từ bạo lực ắt sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực thể xác trong môi trường giáo dục hiện nay”.

Rõ ràng, đã tới lúc cha mẹ, người lớn, các thầy cô giáo cần có thái độ và giải pháp nghiêm khắc, quyết liệt hơn với tình trạng nói tục, chửi bậy ở học sinh. Mỗi người lớn cũng cần thể hiện sự gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, nhằm tạo ra sự tác động đủ làm thay đổi nhận thức của học sinh về nếp sống văn hóa.