Du lịch cộng đồng đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân và xã hội
Thưa TS. Trần Hữu Sơn, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao Tây Bắc, cụ thể thế nào?
TS. Trần Hữu Sơn: DLCĐ là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng, quản lý sản phẩm và vì lợi ích của cộng đồng. DLCĐ được xây dựng và phát triển ở vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đến năm 2000, người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng triển khai xây dựng mô hình DLCĐ. Đến nay, nhiều điểm DLCĐ như: bản Lác, bản Văn (huyện Mai Châu, Hòa Bình), bản Áng (huyện Mộc Châu, Sơn La), bản Mển, Phiêng Lơi (Điện Biên)… đã trở thành những điểm đến quen thuộc ở vùng Tây Bắc của du khách trong nước và quốc tế.
DLCĐ đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao. Các điểm DLCĐ ở Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch. Năm 2012, số hộ nghèo ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) chiếm 25%, trong khi ở các điểm DLCĐ, số hộ nghèo chỉ chiếm từ 8-11%. DLCĐ đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân và xã hội. Ở bản Mển, xã Thanh Nưa, TP. Điện Biên, có 110 hộ dân và có tới 25 hộ gia đình có người tham gia các dịch vụ du lịch. Năm 2014, bản Mển đã đón 1.200 đoàn khách tới thăm. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản Mển mỗi ngày đón 5 đoàn khách đến thăm. Bản Phiêng có cảnh quan đẹp, có 30 hộ gia đình tham gia dịch vụ du lịch, những tháng đông khách mỗi hộ cũng thu được từ 3-5 triệu đồng.
TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số kết tinh thành sản phẩm du lịch độc đáo
Thưa TS. Trần Hữu Sơn, làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn liền với phát triển DLCĐ theo hướng bảo vệ di sản, mà cộng đồng vẫn được hưởng lợi?
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phải gắn liền với phát triển DLCĐ theo hướng bảo vệ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng và cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi. Không nhất thiết người dân phải từ bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà tiến hành song song hai hoạt động: triển khai làm du lịch theo hướng trải nghiệm (dệt thổ cẩm, canh tác ruộng bậc thang, đánh bắt cá dưới ruộng lúa hay sông, suối…) và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Sự hấp dẫn của văn hoá dân gian cùng với tài nguyên du lịch đã tạo ra nguồn thu lớn, giúp bà con xoá đói, giảm nghèo.
Các địa phương cần xây dựng chiến lược dài hạn thế nào để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút nhiều du khách, thưa TS.?
Trong phát triển du lịch, phải tạo ra vẻ đẹp riêng, sức hút riêng từ sản phẩm du lịch. Cần nghiên cứu tính riêng trong văn hóa dân gian các tộc người vùng cao cùng với tài nguyên du lịch khác để “chưng cất” lên thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, và là hồn cốt của DLCĐ. Sản phẩm du lịch đặc thù được thổi hồn của văn hoá dân gian sẽ có sức hấp dẫn riêng, có khả năng thúc đẩy toàn bộ sự phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số. Tính đặc thù, tính chất hấp dẫn sẽ tạo ra khả năng có nguồn thu lớn, tạo khâu đột phá trong phát triển du lịch.
Phát huy giá trị di sản, xây dựng DLCĐ ở vùng dân tộc thiểu số là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhưng muốn phát triển DLCĐ theo hướng bền vững, đòi hỏi các địa phương phải phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp từng vùng, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn với từng đối tượng du khách. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng cần phải xây dựng một chiến lược phát triển DLCĐ hiệu quả, có những chính sách cơ chế mang tính đặc thù và các giải pháp đồng bộ.
Chợ phiên Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu).
Tránh tình trạng “người chủ” nghèo mà doanh nghiệp đưa khách đến lại giàu
Khi xây dựng điểm DLCĐ, bà con vùng cao cần chú ý những điều gì, thưa TS.?
Xây dựng các điểm DLCĐ gắn với bảo tồn văn hóa thực sự vẫn còn là công việc mới mẻ với người dân. Đây là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi sự vào cuộc của 4 “nhà”, gồm người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước. Chủ nhân của điểm du lịch (đồng bào các dân tộc) - phải tự nguyện tham gia một cách sáng tạo với Ban Quản lý hiệu quả, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ. Cộng đồng là chủ nhân nên phải được hưởng lợi ích phù hợp, tránh tình trạng “người chủ” nghèo mà doanh nghiệp đưa khách đến lại giàu. Kinh doanh du lịch rất cần sự vào cuộc của các nhà tư vấn, nhà khoa học giúp người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm, mô hình du lịch phù hợp, đảm bảo giữ được bản sắc riêng có của từng dân tộc, vùng miền.
Các bài học kinh nghiệm này không chỉ có ý nghĩa riêng với vùng Tây Bắc mà các cơ quan chức năng cần xem xét, vận dụng hợp lý ở những vùng khác, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Xin cảm ơn TS. Trần Hữu Sơn.
Việt Cường/GĐTE