.
Những mái nhà lợp fibre xi măng ở thôn Yên Liệu đều đóng cửa im ỉm ban ngày. Ngày nào cũng vậy, khi lũ trẻ con đi học, thì những người đàn bà ở đây toả đi nhiều hướng để làm thuê, giúp việc, chạy chợ. Người dân ở đây bảo, làng Yên Liệu chỉ ồn ào khi trong làng có hiếu, hỷ hay đúng ngày biển động, bão giông, bà con có ngày nghỉ ở nhà.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, người đàn bà dáng khô gầy vẻ khắc khổ, lặng lẽ mang cái thau nhựa ra hứng những giọt nước mưa đang nhỏ từng giọt từ mái nhà xuống nền. Khẽ hướng mắt về phía bàn thờ có di ảnh của chồng nói: “Anh ấy bỏ mẹ con tôi goá bụa đến nay 21 năm. Tôi cố gắng thay chồng nuôi 3 con và chăm mẹ chồng già yếu. Nghĩ lại thời gian anh ấy mới mất, tôi nhiều lúc muốn ngã quỵ, không gượng dậy nổi bởi đàn con nheo nhóc quá, nhà chỉ là cái túp lều trú được nắng mà không thể trú mưa…”.
Chị Tuyết và anh Trần Văn Biểu cưới nhau năm 1985, lúc đó chị mới 22 tuổi. Anh Biểu là người đàn ông miền biển cao lớn, vạm vỡ, sống tình cảm, hiền lành, chịu khó làm ăn và đặc biệt rất yêu chiều vợ con. “Nếu có anh ấy, có lẽ không nhà nào sướng như mẹ con tôi. Ở nhà việc gì anh cũng giành về phần mình. Vậy mà vợ chồng tôi chỉ sống với nhau chưa đầy 10 năm thì anh mất, khi ấy tôi mới 30 tuổi” – chị Tuyết nghẹn ngào.
Mấy ngày trước khi mất, anh vẫn đi làm bình thường ở HTX. “Chỉ 4 ngày bị cảm, sốt, gia đình đưa anh đi bệnh viện cấp cứu mà không kịp. Anh ấy đến với cái chết đơn giản, chả có bệnh gì nặng cả” – chị Tuyết kể.
Rất nhiều chị em khác ở thôn Yên Liệu này cũng đều goá chồng ở tuổi 30, 40. Chồng chị Phượng là anh Thanh cũng bị ngã rồi mất cách đây 5 năm, để lại2 con nhỏ khi chị mới ngoài 30 tuổi. Chị Hồ Thị Tân (SN 1973) cũng mất chồng 3 năm nay. Chồng chị đi làm, dẫm vào cái gai, về cứ thế sốt âm ỉ rồi mất.
Rất nhiều người đàn ông của thôn này, cứ khi đang độ tuổi trai tráng khỏe mạnh nhất, lại bỏ vợ con côi cút để về thế giới bên kia.
Sự việc này rộ lên từ 15 năm trở lại đây. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Yên Liệu vì thế mà năm nào cũng cao nhất xã, lên tới 33 hộ. Hộ nghèo ở thôn tới 52 hộ.
Ông Trần Đức Kiêm, Trưởng thôn thôn Yên Liệu, (xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: "Có thời điểm, trong 4-5 tháng liền, thôn đều có đám ma, cùng là đàn ông đột tử, khiến bà con hoang mang, lo lắng. Không ai chết vì bệnh hiểm nghèo, không chết vì thiên tai hay đi biển. Bà con lo sợ không lường được bệnh tật, sợ cái chết rình rập bất cứ nhà nào. Chúng tôi cũng báo cáo lên huyện, xã tìm biện pháp động viên, giúp đỡ và trấn an tinh thần cho bà con yên tâm sinh sống, nuôi con. Nhiều dự án cho người nghèo vay vốn, nhà tình thương cũng được đưa về xã, về thôn. Các quỹ khuyến học, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo được quyên góp thường xuyên, cho chị em vay không lấy lãi để dầu tư chăn nuôi, mở cửa hàng tạp hoá nhỏ. Tuy nhiên số hộ nghèo, phụ nữ đơn thân quá đông, hỗ trợ không thể giúp họ hết nghèo trong ngày một ngày hai được".
Ông Trần Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ thôn Yên Liệu chia sẻ: Chị em ở địa phương rơi vào hoàn cảnh chồng mất sớm rất đông. Những người đàn ông ở đây đều bị chết đột ngột với những bệnh tưởng chừng đơn giản, như cảm sốt, dẫm vào gai, ngã.
Có một điều rất lạ ở làng Yên Liệu là hầu hết chị em goá chồng còn rất trẻ, nhưng không ai chịu đi bước nữa, mà ở vậy nuôi con. Chị Tuyết, Chi hội phó Hội PN thôn Yên Liệu chia sẻ: “Chúng tôi cứ động viên nhau, nhìn sang nhau để sống. Thường xuyên cấp Uỷ, chính quyền xã, thôn biểu dương những chị đơn thân nuôi con học giỏi, vẫn đi làm thuê kiếm tiền đủ trang trải gia đình và tiền học cho con”.
Những người đàn bà bé nhỏ nơi này chẳng khác gì những rặng phi lao hiên ngang bên bờ biển chắn gió bão. Như chính cuộc đời họ một mình vượt qua bão giông, thay chồng làm điểm tựa vững chắc để cuộc sống của mấy mẹ con họ ngày một ấm hơn.