Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội dành 70 phút để tiếp tục chất vấn về nhóm nội dung kinh tế ngành.
Điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tiếp nối chương trình, sáng nay Quốc hội sẽ dành 70 phút để tiếp tục chất vấn về nhóm nội dung kinh tế ngành. Do số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chọn một vấn đề tâm đắc và quan trọng nhất để chất vấn, tranh luận, đảm bảo tối đa số lượng đại biểu tham gia chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Nhiều vụ việc được người dân phát hiện do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu Lê Đào An Xuân đặt vấn đề: "Đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?"
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số.
Ông Diên cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục;
Đồng thời, phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
"Ở Việt Nam, vừa qua, doanh thu mỗi năm trên thương mại điện tử đạt 16 - 19 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm, nhưng cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực", Bộ trưởng nói và cho hay, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn, với hàng loạt vụ kiểm tra, xử lý các kho hàng hàng giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng.
Những tháng đầu năm, lực lượng chuyên ngành đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ, phạt tiền 7,8 tỷ đồng và giá trị hàng hóa 3,6 tỷ đồng...
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch trên mạng;
Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm ba tổ máy có công suất là 1200 MW. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018.
Đến nay là tháng 11/2023, tiến độ dự án đạt 78% khối lượng công việc hoàn thành so với hợp đồng và hiện nay dự án đang dừng triển khai chậm 5 năm so với dự kiến đưa dự án vào vận hành.
Việc dừng thi công trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật tư, thiết bị đang lưu ở kho bãi ở công trường có nguy cơ phải thay thế mới làm thiệt hại tài sản Nhà nước nếu không có biện pháp bảo quản hợp lý và kịp thời.
"Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có giải pháp và thời gian nào để sớm trình Thủ tướng giải quyết vướng mắc nhằm đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 sớm vận hành", đại biểu chất vấn.
Về nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2010 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí PVN làm chủ đầu tư. Đến 2014, PVN đã kí liên doanh nhà thầu với công ty của Nga.
Tuy nhiên đến khi dự án 77-78% thì phát sinh vướng mắc từ 2018. Đến 2019, đối tác có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng. Do không thỏa thuạn được, hiện vụ việc đang do Trọng thương mại quốc tế xử lý.
Sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thương mại quốc tế thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức đối với dự án Long Phú 1, ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất, vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án.
Với vai trò là chủ đầu tư dự án, Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo PVN có phương án thực hiện với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành sớm nhất.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao bảo đảm tái khởi động và hoàn thiện dự án sớm nhất, phấn đấu trong năm 2026, bảo đảm đúng luật pháp, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giữ gìn mối quan hệ với các đối tác. Bộ Công Thương thường xuyên tham mưu xem xét các vấn đề liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.