ảnh minh họa
Mức xử phạt vẫn còn thấp!
Chính vì vậy, ngày 22/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực: lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về ATVSLĐ là một phần của nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động). Năm 2014, 2015 với sự ra đời và hoàn thiện của pháp luật về Công đoàn và thực hiện yêu cầu bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công đoàn vào Nghị định số 95, ngày 7/10/2015, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã được ban hành và các hành vi vi phạm hành chính về ATVSLĐ cũng được sửa đổi (sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 95) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Sau 3 năm thi hành 2 nghị định, thông qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy vẫn còn có nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Theo báo cáo của 23 tỉnh, thành trong cả nước, các cấp có thẩm quyền đã ra 1.334 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tại các tỉnh, thành phố (trong đó có ATVSLĐ) với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, cơ quan có thẩm quyền luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục các đối tượng vi phạm, để họ hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, vì vậy đến nay chưa có quyết định xử lý vi phạm hành chính nào bị đối tượng khiếu nại.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm về pháp luật về ATVSLĐ chủ yếu là: Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; Không định kỳ kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Không bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Không thực hiện cử người làm công tác ATVSLĐ; Hàng năm không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ theo quy định; Không thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động hoặc khám không đủ số lượt, số người đối với lao động thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Không tiến hành đo lường các yếu tố có hại tại nơi làm việc...
Đánh giá về kết quả thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Doãn Mậu Diệp cho biết: Nhìn chung Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ. Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử phạt bổ sung và thẩm quyền xử phạt cũng rõ ràng, chi tiết, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn, bất cập như: Một số hành vi vi phạm có mức xử phạt còn thấp, không đủ tính răn đe và không tương xứng với mức độ vi phạm; Thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở thấp, thời hạn kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày ra quyết định xử phạt ngắn dẫn đến khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện việc giải trình; Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu, một số hành vi chủ yếu chỉ nhìn bằng mắt thường, do đó thiếu tính thuyết phục trong việc chỉ ra lỗi đối với doanh nghiệp; Nghị định số 95 và Nghị định số 88 chưa làm rõ thế nào là “cá nhân”, thế nào là “tổ chức” để có thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tương ứng; Vẫn còn đối tượng vi phạm chưa chấp hành đúng thời hạn nộp phạt; Mặc dù đã có quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt nhưng chưa cụ thể và chưa phù hợp với thực tiễn nên chưa đem lại hiệu quả và không có tính khả thi.
Cần tăng mức xử phạt
Xuất phát từ quá trình quản lý Nhà nước và thực tiễn thi hành Nghị định số 95, Nghị định số 88 và các văn bản có liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính về ATVSLĐ. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ như sau: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách về ATVSLĐ, đồng thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ. Rà soát Luật ATVSLĐ và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để bổ sung các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời sửa đổi các hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP cho thống nhất với 2 luật trên. Tăng thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền so với quy định hiện hành; Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ (đặc biệt là các hành vi vi phạm chủ yếu) để đảm bảo tính răn đe đối với đối tượng vi phạm; Tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ nói riêng và pháp luật về lao động nói chung. Rà soát Bộ luật hình sự đối với tội danh liên quan đến ATVSLĐ để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đảm bảo cùng một hành vi vi phạm không thể vừa xử phạt vi phạm hành chính, lại vừa bị xử lý hình sự. Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo quy trình ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt là sửa đổi quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt cho phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao trên thực tế, mang lại hiệu quả cho công tác thi hành. Ban hành Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATVSLĐ nói riêng và trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói chung; Rà soát các Nghị định xử phạt chuyên ngành để tránh trùng lắp, một hành vi vi phạm được quy định tại nhiều Nghị định xử phạt và mức xử phạt lại không đồng nhất.