PGS.TS Phạm Trung Lương - Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam (Người thứ hai từ phải qua) tại hội thảo “Housekeeping thời đại 4.0 – Cơ hội và Thách thức”.
Cuộc cách mạng trong lưu trú
Xin chào PGS.TS Phạm Trung Lương, Thời đại 4.0 sẽ ảnh hưởng đến xu thế du lịch như thế nào, thưa ông?
Thời đại 4.0 sẽ thay đổi ngành du lịch, trong thực tế tác động của công nghệ rất cụ thể, thiết thực, gần gũi. Trước tiên là tác động đến phương thức xúc tiến quảng bá trong du lịch. Thay vì cầm các cuốn cẩm nang, tờ rơi quảng cáo truyền thống như hiện nay, du khách chỉ cần lướt web tìm thông tin, thậm chí có thể trải nghiệm thử dịch vụ và chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, mức chi tiêu của bản thân. Cách mạng 4.0 đã làm thay đổi cả phương thức đi du lịch, giờ người du lịch không theo những tour trọn gói nữa mà tự họ thiết kế theo sở thích, tự xây dựng lộ trình, chọn điểm đến, chọn khách sạn.
Tại điểm đến, du khách được trải nghiệm bằng thực tế ảo thay vì nghe thuyết minh trực tiếp. Những thuyết minh tại điểm tiến đến sẽ được thay bằng robot, chúng sẽ mang lại đáp ứng tốt hơn về quản lý điểm đến, có thể kiểm soát sức chứa, hạn chế tác động của du khách bởi những sensor (cảm biến). Tại những điểm đến này, du khách tự thiết kế và tự vận hành các robot ở điểm đến khi check in tại khách sạn được nhận diện tự động. Đó là một thay đổi rất quan trọng trong khách sạn.
Riêng với lĩnh vực buồng phòng, các ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý hiện đại khiến cho khách sạn sử dụng những nguồn năng lượng mới, các hệ thống thông minh giúp tiết kiệm nước, điện, cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng vì các hệ thống, thiết bị này tự động bật, tắt dịch vụ khi có hoặc không có người xuất hiện… Thậm chí, sự thay đổi những giao tiếp phục vụ bàn, thay đổi nội thất của buồng cho ta có cảm giác như nằm trong bầu trời đầy sao bằng các công nghệ mới. Việc xây dựng khách sạn ở bất cứ nơi nào bằng công nghệ 3D - thực sự là cuộc cách mạng trong lưu trú mà công nghệ 4.0 có thể mang lại.
Nguy cơ khủng hoảng thừa nhân lực
Việt Nam có thể thích ứng được với xu hướng mới này không, thưa ông?
Về bản chất, Cách mạng 4.0 là sự kết hợp của 3 lĩnh vực: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Ứng dụng kỹ thuật số cho phép chúng ta sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nhất về công nghệ thông tin Internet hiện nay vào đời sống, trong đó có lĩnh vực khách sạn. Công nghệ sinh học cũng được ứng dụng nhiều vào các hoạt động khách sạn, như hệ thống thông minh giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải... Công nghệ vật lý hiện đại là phần mềm robot, sử dụng trí tuệ thông minh, cảm biến tự động. Tất cả những điều đó, chúng ta đều có thể ứng dụng được.
Tuy nhiên, chúng ta phải có chiến lược để có thể thích ứng được với những ảnh hưởng mà công nghệ 4.0 mang lại. Nhưng chiến lược đó phải hết sức chi tiết thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó, chúng ta phải có lộ trình tiếp nhận và sử dụng các thiết bị công nghệ mới.
Trong lĩnh vực đào tạo, Việt Nam hiện có đáp ứng được những yêu cầu của xu thế mới này chưa?
Đội ngũ giảng dạy đã nghiên cứu, chuẩn bị sẵn tâm thế nên xã hội có nhu cầu thì công tác đào tạo nhân lực sẽ đáp ứng được. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có những hợp tác với quốc tế, sẽ mời các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực du lịch – khách sạn đến Việt Nam giảng dạy.
Tuy nhiên, nguy cơ khủng hoảng thừa nhân lực khi tự động hóa nhiều cần phải tính toán nghiêm túc chứ không nên đợi “nước đến chân mới nhảy”.
Xin cảm ơn ông.
Cách mạng 4.0 tác động mạnh tới xu thế du lịch. Ảnh minh họa.
“Cách mạng 4.0 sẽ tác động đến lĩnh vực khách sạn trong công tác quản trị khách sạn, thay đổi cách quản lý dữ liệu, báo cáo, truyền thông tin bằng các công cụ trực tuyến và số hóa. Ngoài ra, công nghệ còn giúp các khách sạn trong việc marketing, phản hồi ý kiến của khách hoặc có các phương pháp thanh toán trực tuyến…” - Bà Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam.
Hồng Nga (thực hiện)/TC GĐ&TE