Sốt do virus thì tuyệt đối không được dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp sốt do nhiễm khuẩn. Ảnh: KT
Sốt liên tục 10 ngày không khỏi, kèm theo phù nề do điều trị sai
Anh Hồ Thanh Tùng, 36 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội bị sốt đã 10 ngày mà vẫn chưa khỏi. Vợ anh cho biết: Đầu tiên, anh có biểu hiện sốt trên 380C, khi hết sốt lại bị vã mồ hôi, đến ban đêm lại bị sốt rét, hết sốt rét lại chuyển sang sốt nóng. Cơ thể lấm tấm những nốt ban đỏ. Hết 3 ngày không giảm sốt, mặc dù chị đã cho anh uống Paracetamol hạ sốt, dùng cồn hoặc khăn vò nước ấm để lau khắp cơ thể cho anh nhưng vẫn sốt cao. Chị đưa anh đi khám tại một phòng khám tư nhân, bác sĩ cho uống thuốc Tây y nhưng bệnh tình chưa thuyên giảm. Sốt ruột, nghe người mách, chị lại chuyển cho anh dùng thuốc Nam của thầy lang, bệnh không những không khỏi lại kèm theo bị phù nề vì cơ thể ứ nước. Lo lắng, chị lại đến một phòng khám khác. Tại đây, chị được bác sĩ cho làm xét nghiệm máu và sau khi xem kết quả xét nghiệm công thức máu, bác sĩ chỉ định không cho truyền nước mặc dù ở thời điểm đó, anh bị sốt đã 5 ngày vì cơ thể đang thừa nước. Trong lúc bác sĩ đang bận khám cho bệnh nhân khác, một bác sĩ khác tư vấn: Do sốt cao, men gan cao gấp 3 lần bình thường, nó sẽ phá hủy nội tạng, phải bù nước… Nghe bùi tai, chị Thanh lại đồng ý truyền nước. Sau khi về nhà, anh Tùng lại càng mệt hơn, vẫn sốt theo giờ, bị phù nhiều hơn vì máu loãng. Lúc này, chị buộc phải dừng tất cả các loại thuốc, tìm cách hạ sốt thông thường cho anh kèm theo ăn uống hợp lý để chờ bệnh qua đi. Chị cho biết, chồng mình vẫn đang bị sốt theo đợt trong ngày và rất mệt mỏi, đau nhức khắp người.
Theo bác sĩ Quan Thế Dân, Phòng khám đa khoa Nguyễn Chí Thanh (Sở Y tế Hà Nội), trường hợp của chị Thanh là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ bệnh nhân nào bị sốt virus mà tự ý dùng thuốc Nam hoặc chữa trị bằng phương pháp Tây y không đúng cách.
Phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
Cách nhận biết và xử trí
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ở cả người lớn và trẻ em, khi bị sốt virus thường có tất cả hoặc một trong các biểu hiện sau:
- Sốt cao: Đây là biểu hiện phổ biến, thường từ 38-390C, thậm chí 40-410C. Trong cơn sốt, người bệnh thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol...
- Đau khắp người: Ở người lớn thì đau cơ bắp nên thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.
- Đau nhức đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.
- Viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa và nôn: hay gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện như: ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...
- Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.
- Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.
- Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh và truyền nước
Bác sĩ Quan Thế Dân cho biết: Hiện nay, các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà việc khỏi bệnh sớm hay muộn phụ thuộc vào loại virus và do cơ chế tự đào thải virus của cơ thể cùng các yếu tố bên ngoài tác động như: ăn uống, nghỉ ngơi... Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
Thông thường, đối với cả người lớn và trẻ em, cách điều trị như nhau. Nếu có biểu hiện sốt cao từ 38-390C có thể bình tĩnh tìm cách hạ sốt tại nhà bằng việc dán miếng hạ sốt, lau mát tích cực tại nách, bẹn, chân tay, không chườm lên ngực vì dễ gây ho, viêm phổi, mặc quần áo thoáng mát, nằm chỗ thoáng khí, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để bù mất nước. Nhỏ mắt, mũi bằng natriclorit 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp cho trẻ em. Nếu không hạ sốt, bệnh nhân vẫn bị sốt từ 38,50C trở lên mới được dùng thuốc hạ sốt thuộc nhóm paracetamol theo chỉ định liều lượng và cách dùng của bác sĩ.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, để cơ thể dồn tất cả sức lực thải virus ra ngoài. Vì thế, đối với trẻ em, vừa mới hạ sốt không nên để trẻ đi học, chạy nhảy tung tăng, bệnh sẽ lâu khỏi. Người lớn cũng nên nghỉ làm, vừa để khỏe hẳn vừa tránh lây bệnh sang cho người khác, vì đây là một căn bệnh rất dễ lây lan.
Trong trường hợp bị sốt cao liên tục trong vòng 3-5 ngày không khỏi, người lả đi, sức yếu hoặc sốt cao trên 390C thì cần đưa ngay đến bệnh viện để làm các xét nghiệm máu để phát hiện chính xác căn nguyên của bệnh có phải do virus gây ra hay không. Nếu do virus thì tuyệt đối không được dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp sốt do nhiễm khuẩn.
Chỉ được truyền nước sau khi xét nghiệm máu và có ý kiến chỉ định của bác sĩ, không tự ý thuê y tá về nhà truyền.
Lưu ý: Thông thường, sốt virus có thể kéo dài từ 3-7 ngày là khỏi. Cũng có trường hợp 1-2 tuần mới khỏi, vì vậy cần kiên nhẫn, tránh sốt ruột, dùng thuốc lung tung chỉ khiến bệnh nặng thêm.
Không nên hạ sốt bằng thuốc Đông y hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc khiến bệnh nặng thêm.
Sốt virus là bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Do đó, người bị sốt virus nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Đối với trẻ em, khi bị sốt virus, cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây cho các bạn khác.
Tùng Dương/TC GĐ&TE