Phó thủ tướng động viên cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đội Gia Lai giúp người dân Chư Sê chống hạn - Ảnh: Trần Hiếu
Trước đó, Phó thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình hạn hán tại hai huyện Chư Pưh, Chư Sê của Gia Lai.
Phó thủ tướng nhấn mạnh cần có những biện pháp kịp thời để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro do hạn hán gây ra cho người dân. “Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Không để dân đói, dân khát, dân bị bệnh. Tập trung chăm sóc những cây có thể cứu được, đặc biệt là cây công nghiệp vì đây là loại cây cần vài năm mới khôi phục được. Chủ động mọi biện pháp để phòng chống hạn lâu dài, chắc chắn. Lo tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Địa phương xuất ngân sách hỗ trợ cho dân kịp thời. Các ngân hàng có chính sách để giúp dân”, Phó thủ tướng chỉ đạo, đồng thời nhất trí cho ứng trước 2.000 tấn gạo để 4 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng do hạn hán, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các thủy điện trên địa bàn phải xả nước tối đa để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân; chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương rà soát, lựa chọn kỹ lưỡng để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi có hiệu quả và mang tính bền vững. Các địa phương tập trung trồng rừng, đặc biệt là các vùng đầu nguồn và các vùng xung yếu để xây dựng phương án phòng chống thiên tai dài hạn.
Theo số liệu của Bộ TN&MT, dự trữ của các hồ chứa trên địa bàn Tây nguyên chỉ còn 30 - 40% dung tích thiết kế. Cụ thể, hơn 130 hồ chứa ở khu vực này cạn nước, dự kiến đến cuối tháng 4 nếu không có mưa lớn thì hàng chục hồ sẽ cạn, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới và sinh hoạt. Dự báo, tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Đến tháng 6.2016, lượng mưa khu vực này thiếu hụt 30 - 50%. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 60 - 80%. Tình hình hạn hán khốc liệt khiến hơn 28.000 hộ bị thiếu nước và trong thời gian tới, con số này có thể lên đến gần 60.000 hộ.
Còn theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 3/2016, nếu không có mưa, toàn Tây nguyên sẽ có hơn 167.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có hơn 14.600 ha lúa và hơn 152.000 ha cà phê bị ảnh hưởng. Hiện đã có hơn 28.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng, thiếu mưa kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cháy rừng cấp 4, cấp 5 - cấp nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Chính phủ và các bộ ngành đã hỗ trợ kịp thời cho các địa phương thuộc khu vực Tây nguyên hơn 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả hạn hán. Ông Cao Đức Phát cũng đề nghị các bộ, ngành cần có những giải pháp cụ thể để giúp Tây nguyên phòng chống hạn hiệu quả. Trong đó đề nghị Chính phủ hỗ trợ 3.650 tấn gạo cho hơn 200.000 nhân khẩu thiếu đói giáp hạt, xem xét tiếp tục hỗ trợ các địa phương 658 tỉ đồng để chống hạn…
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hiện Gia Lai có hơn 13.500 ha cây trồng các loại bị hạn. Ước tính thiệt hại lên đến hơn 150 tỉ đồng. Ngoài ra, có hơn 7.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Gần 15.000 hộ với trên 64.000 khẩu bị thiếu đói do hạn hán, trong đó có gần 12.000 hộ đồng bào thiểu số. Tỉnh đã khẩn trương xuất ngân sách để mua 238 tấn gạo cứu đói cho gần 1.900 hộ. Chúng tôi đề nghị T.Ư hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo để cứu đói cho dân”.
Trong khi đó, ông Đào Xuân Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị T.Ư hỗ trợ khẩn từ 80 - 100 tỉ đồng để triển khai thêm các biện pháp phòng chống hạn hán hiệu quả hơn.
Tuyên dương giám đốc sở tự đi điều tra bắt xe quá tải
Chiều 24/3, tại TP.Pleiku, Gia Lai, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hoa, tuyên dương ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai. Ông Quế là người tự bỏ tiền túi, tranh thủ ngày nghỉ, đi xe biển trắng điều tra, chặn bắt và xử lý xe quá tải, quá khổ. Ngoài ra, ông Quế còn có các biện pháp kiên quyết, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần giảm tình trạng ném đá xe khách gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng mỗi năm. “Hành động của anh Quế rất đáng biểu dương. Tôi tặng anh Quế một bó hoa và chúc anh tiếp tục công tác tốt”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.