Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xuất hiện nhiều ổ bệnh dại, Thanh Hóa ban hành Chỉ thị cấp bách

Phóng viên
Phóng viên

Trước nguy cơ bệnh dại ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm.

Trong vòng 10 năm qua, tại Thanh Hóa, bệnh dại đã làm chết 31 người và 85.145 người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa cũng có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

ảnh minh họa cách phòng chống bệnh dại.jpg
Cách hạn chế bị động vật cắn, phòng, chống bệnh dại.

Nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh dại gia tăng trên địa bàn là do chưa quản lý được đàn chó, mèo, tình trạng chó thả rông còn phổ biến; công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỉ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại thấp; vi rút dại còn lưu hành trên động vật; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế...

Để ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả bệnh dại trên địa bàn, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực để phòng chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, chú trọng xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, tiêm vaccine bệnh dại cho chó, mèo; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh dại.

Tăng cường công tác quản lý, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; xử lý nghiêm những trường hợp thả rông chó, mèo theo quy định với các trường hợp vi phạm…

Đảm bảo việc tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người, phổ biến các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để đợc điều trị kịp thời.

Bố trí nguồn lực và chuẩn bị ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh dại để chủ động phòng dịch khi có dịch bệnh xảy ra…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình hình bệnh dại động vật trên cả nước thời gian qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Năm 2023, bệnh dại đã làm 82 người chết trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên.

Từ ngày 1/1 đến 20/2, cả nước đã xảy ra 17 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Quách Tuấn

Tin liên quan