Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xuất khẩu lao động 2016: Nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao

Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2015 vượt kế hoạch đề ra và năm 2016 được nhận định sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc. Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, bên cạnh giữ vững các thị trường truyền thống, một số thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông... sẽ mở rộng hơn trong năm 2016, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao sang làm việc.

* Xin ông cho biết kết quả công tác XKLĐ năm 2015 ? 

- Công tác XKLĐ trong năm 2015 còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được kết quả tốt. Tính đến hết tháng 11/2015 đã có 109.252 lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài, vượt 15% kế hoạch. Có được kết quả này là nhờ các thị trường tiếp nhận số lượng LĐ lớn, như: Đài Loan đến hết tháng 11 đã có 64.000 LĐ sang làm việc, Nhật Bản có hơn 24.000 LĐ, vượt xa so với năm 2014. Đây là hai thị trường góp phần nâng số lượng LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2015 tăng và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh số lượng LĐ đi làm việc ở nước ngoài tăng, năm 2015 chúng ta cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp định liên quan đến XKLĐ như: Ký Bản ghi nhớ về hợp tác LĐ; Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận LĐ giữa Việt Nam và Thái Lan, dự kiến Thỏa thuận này sẽ được thực hiện từ quý I/2016; ký kết lại Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng LĐ với Malaysia với các điều kiện chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của LĐ Việt Nam làm việc tại Malaysia, trong đó có qui định NLĐ tự giữ, bảo quản hộ chiếu cá nhân của mình, đây là điều khoản rất tốt mà trong Thỏa thuận năm 2003 chúng ta chưa đàm phán được.

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Có thể nói, bức tranh tổng thể về XKLĐ năm 2015 đã vượt kế hoạch đề ra, chúng ta đã ký thêm được nhiều hiệp định, nhiều thỏa thuận với các nước. Và đây chính là cơ chế, tạo tiền đề để tạo khung pháp lý đưa LĐ đi làm việc, tăng quyền và lợi ích hợp pháp của LĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, năm 2015, chất lượng LĐ đưa đi làm việc ở nước ngoài tăng cao, 100% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi.

* Thưa ông, những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giảm tỉ lệ LĐ bất hợp pháp, đặc biệt tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản như thế nào?  

- Việc LĐ bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng thị trường Nhật Bản, số lượng bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc chưa hẳn cao, nhưng cũng có dấu hiệu gia tăng nếu chúng ta không có biện pháp triệt để.

Trong năm 2015, Cục QLLĐNN đã phối hợp với nhiều ban, ngành và chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) thực hiện rất nhiều biện pháp. Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các DN, NLĐ, bản thân gia đình NLĐ hiểu về vấn đề đi làm việc ở nước ngoài. Nếu NLĐ bỏ ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp sẽ có nhiều rủi ro, nhiều vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến bản thân họ và gia đình. Thứ hai, chúng tôi thực hiện tốt công tác phòng chống LĐ bất hợp pháp ngay từ khâu yêu cầu các DN làm tốt công tác tuyển chọn, tuyển đúng người, đúng đối tượng, đưa đúng người có nhu cầu thực sự đi làm việc ở nước ngoài. Trước khi đưa đi, tất cả LĐ đều trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và ngoại ngữ, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức cần thiết, trong đó có phong tục tập quán nước đến, nội qui nơi làm việc để tăng tinh thần trách nhiệm của NLĐ, từ đó hạn chế tình trạng NLĐ có thể bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Trong năm qua, cũng đã ban hành Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có phạt đối với LĐ bỏ hợp đồng, làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nhưng đối với từng thị trường cụ thể.

Ví như với thị trường Nhật Bản và Đài Loan, chúng tôi đã trình Bộ LĐ-TB&XH ban hành những qui định xử lý không phải chỉ đối với NLĐ, mà đối với cả DN. Nếu DN có tỉ lệ LĐ bất hợp pháp cao sẽ có chế tài, biện pháp xử phạt, điều này giúp tăng trách nhiệm của DN trong công tác tuyển chọn, đưa đi, quản lý, giám sát NLĐ làm việc ở nước ngoài, nhằm giảm tình trạng bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. Đối với thị trường Hàn Quốc, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và tại Hàn Quốc triển khai nhiều biện pháp. Hy vọng bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, tỉ lệ LĐ Việt Nam làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ giảm trong thời gian tới.

* Việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ tại nước ngoài được thực hiện ra sao, thưa ông? 

- Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài được đặt lên hàng đầu. Từ nhiều năm nay, Cục QLLĐNN đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban quản lý lao động ở nước ngoài đối với thị trường có nhiều LĐ Việt Nam đang làm việc, nhằm hỗ trợ DN trong việc quản lý NLĐ trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài. Đối với những thị trường không có Ban Quản lý lao động, chúng tôi phối hợp với cơ quan đại diện của Bộ Ngoại giao để làm tốt công tác bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh đó, Cục QLLĐNN thường xuyên chỉ đạo, giám sát DN. Đặc biệt với các thị trường, lĩnh vực, ngành nghề có tính phức tạp, chúng tôi có qui định với số lượng LĐ nhất định, DN phải cử cán bộ sang vừa làm đại diện cho DN trong việc tìm kiếm hợp đồng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ. Nếu có cán bộ đại diện ở nước ngoài, việc xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ sẽ được xử lý nhanh, dứt điểm, không để gây ra những rủi ro về sau.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. (Nguồn Internet)

 

* Thưa ông, hướng đến những thị trường chất lượng cao trong năm 2016 thì việc nâng cao chất lượng nguồn LĐ được thực hiện như thế nào? 

 - Bên cạnh việc mở thêm những thị trường XKLĐ mới, Cục QLLĐNN cũng quan tâm đến mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu LĐ kỹ thuật cao. Có thể nói, trong thời gian tới, thị trường tiếp nhận LĐ trình độ cao của Việt Nam vẫn là CHLB Đức và Nhật Bản, khi Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Bên cạnh hai chương trình hợp tác chính phủ nêu trên, LĐ trình độ cao của Việt Nam cũng có cơ hội làm việc ở một số nước như: Hàn Quốc - theo chương trình thẻ vàng, một số nước Trung Đông - kỹ sư xây dựng, lao động nghề hàn 3G, 6G trình độ cao...

Để nắm bắt cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với tư cách lao động có trình độ cao, NLĐ Việt Nam cần trang bị cho bản thân những kiến thức chuyên môn cần thiết cũng như trình độ ngoại ngữ nhất định để có thể đáp ứng yêu cầu về công việc. Ngoài ra, NLĐ cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các chương trình này để có sự chuẩn bị tốt nhất khi ra nước ngoài làm việc, đảm bảo chất lượng LĐ, hình ảnh NLĐ Việt Nam sẽ được đánh giá cao trong mắt người sử dụng LĐ ở nước bạn.

Bên cạnh đó, các DN cần có trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo nghiêm túc trước khi đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

* Vậy, triển vọng XKLĐ trong năm 2016 ra sao? Theo ông đâu là những thị trường trọng điểm trong năm mới ?   

- Theo tôi, Nhật Bản vẫn tiếp tục là thị trường có nhu cầu tiếp nhận LĐ Việt Nam với số lượng lớn trong năm 2016. Cục QLLĐNN vừa trình Bộ ban hành văn bản chấn chỉnh thị trường này, nhằm giám sát việc thực hiện các điều kiện một cách chặt chẽ hơn. Có thể số lượng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản trong những tháng đầu năm 2016 sẽ chững lại một chút so với 2015, nhưng hy vọng với việc làm tốt, làm đúng thì số lượng thực tập sinh được đưa sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới của năm 2016 cũng như những năm tiếp theo.

Thị trường Đài Loan cũng có nhiều triển vọng. Năm 2015, chúng ta đàm phán thành công với phía Đài Loan tiếp nhận trở lại LĐ khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ sau 10 năm gián đoạn. Tôi hy vọng trong năm 2016, Đài Loan tiếp tục là thị trường có nhu cầu tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam, có thể bằng hoặc hơn năm 2015.

Bên cạnh đó, một số nước ở thị trường Trung Đông cũng được kỳ vọng có sự khởi sắc... góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh và nâng cao kết quả đưa LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!