Căn nhà khang trang của gia đình chị Hoàng Thị Lan.
Khởi nghiệp từ nguồn vốn XKLĐ
Nằm ngay cạnh trụ sở UBND xã Gia Điền, căn nhà 2 tầng rộng gần 200m2 với đầy đủ những tiện nghi đắt tiền là “tổ ấm” của gia đình chị Hoàng Thị Lan - chủ cơ sở chế biến lâm sản ở khu 5.
Chia sẻ về thời gian làm việc ở Đài Loan cũng như ngày đầu khởi nghiệp, chị Lan cho hay, năm 1999 chị kết hôn. Sau đám cưới, bố mẹ chồng cho anh chị ra ở riêng trong căn nhà tranh ở sườn đồi với 1 triệu đồng làm vốn. Ở vùng quê nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn nên dù có chăm chỉ làm ăn thì cũng chẳng biết bao giờ mới “ngẩng mặt lên được”. Nghĩ vậy, chị bàn với chồng về việc đi XKLĐ sang Đài Loan làm việc. Đắn đo mãi, đến năm 2003, anh đã đồng ý cho chị đi. 11 năm tại Đài Loan, công việc chính của chị là giúp việc cho một gia đình có nghề chế biến trà ô long. Vì vậy, ngoài thời gian làm công việc nhà, tối đến chị tranh thủ làm thêm tại cơ sở sản xuất của nhà chủ. Sau thời gian làm việc tại Đài Loàn, tích cóp chị đã gửi về cho gia đình hơn 1,5 tỷ đồng.
Từ những đồng vốn gửi về của vợ, năm 2010, chồng chị đã mạnh dạn mở cơ sở bóc ván gỗ. Nhưng do thiếu kinh nghiệm và người quản lý nên xưởng gỗ của anh cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Đến năm 2014, chị hết hạn hợp đồng làm việc tại Đài Loan và trở về nhà. Chứng kiến dây chuyền sản xuất không hiệu quả, người lao động làm việc thiếu trách nhiệm, sản phẩm làm ra không phân loại rõ ràng nên khó kiểm soát chất lượng, chị bắt tay vào sắp xếp lại mọi thứ, từ nhập nguyên liệu, bóc ván, thành phẩm và bán hàng. Sau nhiều nỗ lực, đến nay trung bình mỗi tháng cơ sở chế biến lâm sản của gia đình xuất đi hàng nghìn m3 ván gỗ, doanh thu 700 triệu đồng/tháng. Hiện cơ sở nhà chị Lan có 12 lao động đang lam việc với mức lương trung bình từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Chị Lan giới thiệu về qui trình sản xuất gỗ ván của xưởng.
Chị Lan cho biết: "Nhờ thời gian làm việc ở nước bạn đã giúp mình không chỉ có tiền mở xưởng sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa bàn xã, mà quan trọng hơn là "đi để học nghề", học cái hay của họ rồi chọn lọc xem cái nào phù hợp để về áp dụng. Ở đây mình đã học được tác phong, ý thức và cách tổ chức môi trường làm việc. Nếu không thì cơ sở sản xuất của mình cũng không có được như hôm nay”.
Giống như gia đình chị Lan, có được nguồn thu nhập đáng kể nhờ 3 năm miệt mài lao động tại nước ngoài, sau khi trở về, chị Trịnh Phương Thúy (xã Ấm Hạ) đã đầu tư vào mở xưởng bóc ván. Từ khi hoạt động đến nay, xưởng của gia đình chị không lúc nào ngớt việc và giải quyết được việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
Chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm học được ở nước bạn về áp dụng cho gia đình, chị Thúy nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” luôn luôn đúng. Nếu không có những ngày tháng làm việc ở nước ngoài có lẽ mình đã không dám làm ăn to như thế này, mà chỉ quẩn quanh với mấy ruộng ngô, sào lúa. Thời gian sống và làm việc ở đó đã giúp mình có vốn, kinh nghiệm kinh doanh. Những lúc gỗ nguyên liệu rẻ mình mua vào, chế biến dần, riêng cái đó mình đã lãi hơn các xưởng khác rồi. Ngoài ra, cách quản lý lao động của mình không chỉ bằng số lượng sản phẩm mà cả chất lượng, vì vậy mọi người làm việc sẽ có trách nhiệm hơn. Năng suất, chất lượng sản phẩm đi kèm với lương thưởng rõ ràng tạo sự công băng giữa các lao động”.
Xưởng chế biến lâm sản của chị Hoàng Thị Lan.
Đi làm thuê, về làm chủ
Chứng kiến cơ ngơi trị giá gần 20 tỷ đồng của anh Lê Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt thì không ai ngờ nguồn vốn khởi nghiệp của Cty này cũng từ XKLĐ. Anh Trường kể, sau khi vợ chồng anh lấy nhau, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2007, anh vay mượn cho vợ đi làm việc tại Malaysia. Sau 4 năm làm việc tại nước ngoài, chị gửi về được 300 triệu đồng. Thời điểm năm 2010, ở Hạ Hòa, nhu cầu ván gỗ tăng cao, anh mạnh dạn vay thêm vốn mở cơ sở bóc ván gỗ. Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc tại nước ngoài, chị về nước. Có người thay anh quản lý xưởng, anh tiếp tục mở rộng thêm mảng kinh doanh vận tải, buôn bán gỗ ván. Hiện Cty có gần 30 lao động đang làm việc với mức lương từ 9 - 12 triệu đồng/tháng, doanh thu mỗi năm gần 20 tỷ đồng.
Đánh giá về công tác XKLĐ trên địa bàn xã Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Cát Quốc Việt cho biết, phong trào đi XKLĐ đến với Gia Điền bắt đầu từ những năm 2001, lúc đó người dân chủ yếu đi làm việc ở các nước: Đài Loan, Malaysia. Đến nay đã đi được tới những nước có thu nhập cao hơn như Nhật, Nga. Hiện toàn xã có khoảng 140 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm có gần 20 người đi XKLĐ.
Chị Trịnh Phương Thúy (xã Ấm Hạ) trò chuyện với phóng viên.
“Số người đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt xã hội, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đến tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến. Qua XKLĐ, người dân có vốn để phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn xã có 24 xưởng chế biến gỗ, trong đó có tới 90% số xưởng là có người đi XKLĐ có vốn về mở. Cũng nhờ XKLĐ đã mang lại nguồn thu khá cho nhiều gia đình, không những đời sống của gia đình được cải thiện mà họ còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, ông Việt nói.
Lao động tại xưởng chế biến lâm sản phơi ván gỗ.
Ông Vũ Đức Hùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hạ Hòa cho biết: Huyện luôn xác định XKLĐ là hướng đi đúng đắn, đòn bẩy trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho người dân. Những năm gần đây, số lượng người đi XKLĐ hàng năm đều vượt chỉ tiêu; riêng năm 2018, huyện có 265 người đi XKLĐ. Toàn huyện có khoảng 1.200 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản. Mỗi năm, lao động gửi về từ 50 - 70 tỷ đồng (bình quân mỗi lao động gần 100 triệu đồng/năm). Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn trở thành những hộ khá giả ở địa phương. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho kinh tế huyện.
Theo Nguyễn Síu - Cù Hòa/baodansinh