Thoát nghèo và làm giàu nhờ XKLĐ
Tại tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2018, 11 huyện miền núi trên địa bàn đã đưa được 2.760 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, riêng 6 tháng đầu năm 2019 là 1.068 người. Điều đáng mừng là nhờ XKLĐ, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Như Xuân là 43,39% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 14,92%; huyện Bá Thước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 55,24% giảm còn 13,31%; huyện Ngọc Lặc năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 18,28%, cuối năm 2018 giảm còn 8,02%... Hiệu quả rõ rệt nhất do XKLĐ mang lại là đã giúp nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) trước đây không chỉ nghèo mà còn là đối tượng bảo trợ xã hội. Sau 3 năm đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm vợ anh gửi về cho gia đình 120 triệu đồng. Từ nguồn tiền trên, anh Cường đã đầu tư phát triển kinh tế. Hiện, gia đình có một gia trại với 20 con bò, 4 con trâu, 1ha trồng cỏ, 5 sào ao, cho thu nhập bình quân khoảng 300 đến 400 triệu đồng/năm…
Cũng như các huyện nghèo tại tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều hộ nghèo ở các huyện miền núi nhờ XKLĐ mà đời sống đã có sự thay đổi rõ rệt. An Lão là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh Bình Định, thuộc diện 62 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 45,1% vào năm 2018. Từ năm 2016 đến nay, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn huyện có 126 lao động đi làm việc có thời hạn tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Riêng 10 tháng đầu năm 2019, huyện đã có 51 lao động tham gia XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Hầu hết lao động ở huyện An Lão đi làm việc tại nước ngoài đều có việc làm, thu nhập ổn định, bình quân mỗi lao động gửi về gia đình gần 200 triệu đồng/năm. Riêng 10 tháng năm 2019, số lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài đã gửi về cho gia đình khoảng 8,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở thêm nhiều cơ sở sản xuất mới, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những xã như An Vinh, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn có 100% số hộ đồng bào dân tộc Hrê và Bana sinh sống bằng nghề nông và canh tác nương rẫy, không có nghề phụ, từ khi có phong trào XKLĐ, đến nay xã đã có 51 người đang lao động tại các nước Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhờ đó, diện mạo của xã đã thay đổi hẳn, nhiều nhà có “của ăn, của để”, tạo nghề mới hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Đông đảo người lao động tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) tìm hiểu thông tin về các thị trường XKLĐ tại phiên giao dịch việc làm.
Hay như xã Lương Nha (huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ), trong năm 2018, toàn xã có 34 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với thu nhập bình quân từ 20-40 triệu đồng/tháng. Từ nguồn vốn tích cóp được, nhiều lao động sau khi hết thời hạn trở về địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh buôn bán, giúp gia đình ổn định cuộc sống. Riêng khu Vũ có 105 hộ thì hơn 50% số hộ có người đi XKLĐ. Hàng năm, nguồn ngoại tệ chuyển về ước khoảng 60 tỷ đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Hùng - khu Vũ xã Lương Nha là một trong những gia đình thuộc hộ nghèo với 10 nhân khẩu nhưng chỉ có vài sào ruộng. Năm 2016, bà Hùng quyết tâm vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Sơn 200 triệu để con rể đi thực tập sinh kỹ năng lao động tại Nhật Bản. Nhờ công việc phù hợp lại chịu khó lao động nên trừ các khoản chi phí cá nhân, con bà sau 1 năm đã gửi về cho gia đình trả hết nợ vay từ ngân hàng; 2 năm sau, bà tiếp tục cho người con gái, con trai út và con dâu đi XKLĐ tại thị trường Nhật Bản với mong muốn con cháu thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tại các huyện nghèo tham gia XKLĐ.
Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ
Mặc dù XKLĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực và được chứng minh qua thực tiễn nhưng việc triển khai công tác này ở các huyện nghèo cũng đang gặp không ít khó khăn, số lượng lao động đưa đi đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu từ năm 2009 - 2015 đưa được khoảng 55 nghìn lao động đi XKLĐ, nhưng sau 10 năm thực hiện Quyết định 71 mới đưa được hơn 10 nghìn người). Nguyên nhân xuất phát từ việc khoảng 90% người lao động đưa đi là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường sản xuất tập trung, chuyên nghiệp, hiện đại nên chưa thể đáp ứng yêu cầu chủ sử dụng lao động, nhất là các thị trường yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Phần lớn không quen với việc làm ăn xa nên nhiều trường hợp sang đến nước ngoài một thời gian đã bỏ về. Thêm vào đó, việc vận động người dân đi XKLĐ vẫn gặp nhiều trở ngại do họ chưa từ bỏ được tập quán bám bản, làm nương rẫy…
Từ thực tế nêu trên, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác đưa lao động ở các huyện nghèo đi XKLĐ, trong đó chú trọng việc đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng những hành động cụ thể.
Mới đây, Bộ cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020. Theo đó, lao động tại huyện nghèo khi tham gia XKLĐ sẽ được vay tối đa bằng 100% chi phí phải đóng cho doanh nghiệp XKLĐ. Đáng chú ý, người dân được vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; lãi suất vay chỉ bằng 50% lãi suất dành cho hộ nghèo theo chuẩn chung...
Với các chính sách hỗ trợ ngày càng thiết thực nêu trên, tin rằng công tác XKLĐ tại các huyện nghèo trong thời gian tới sẽ có sự khởi sắc để giúp thêm nhiều người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Minh Anh/GĐTE