Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức lớn khi nhiều mặt hàng xuất khẩu phải đối mặt với hàng rào phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Gia tăng số lượng vụ việc
Ngày 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Ngày 25/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam.
Và mới đây, Cục Ngoại Thương Thái Lan đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: Thép, nhôm liên tiếp bị điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu do đặc thù là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao.
"Đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải ứng phó với 78 vụ việc phòng vệ thương mại với trên 30 thị trường thép. Trong đó, năm 2023 và 2024 có thể nói là đã phải ứng phó rất nhiều vụ việc, đặc biệt là trong các tháng 8, 9 vừa qua, ngành thép đang phải đối mặt với 3 vụ kiện thương mại", ông Thái thông tin.
Theo số liệu của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2001 - 2011 chỉ có 50 vụ điều tra phòng vệ thương mại nhắm vào hàng hóa Việt Nam thì từ năm 2011 đến tháng 9/2024 có đến 263 vụ việc điều tra.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, một số quốc gia như: Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc)... cũng bắt đầu khởi xướng điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, từ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, tôm, cá tra, gỗ, pin mặt trời… đến sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu nhỏ hơn như gạch men, mật ong, đĩa giấy đều đang bị sức ép từ phòng vệ thương mại.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng gần như hàng ngày. Trong đó, hơn một nửa là điều tra chống bán phá giá, tiếp đến là điều tra về tự vệ, về trợ cấp cũng như chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Các cuộc điều tra này liên quan nhiều nhóm ngành khác nhau như mặt hàng kim loại (sản phẩm thép, nhôm, đồng), hóa chất, chất dẻo, nông, lâm sản, một số sản phẩm gỗ… Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như sản phẩm tủ gỗ và bàn trang điểm có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD/năm…
Việc phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đã gây ra những tác động tiêu cực tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để tham gia các vụ việc, vụ kiện, chi phí thuê tư vấn nước ngoài có thể lên tới cả triệu USD; mức thuế với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao làm giảm sức cạnh tranh; doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có xu hướng đề phòng và chuyển hướng nhập khẩu sang đối tác khác…
Doanh nghiệp phải ứng phó thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cho rằng, mỗi quốc gia khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại lại có những quy định, thủ tục riêng. Vì vậy, các biện pháp áp dụng cũng rất khác nhau. Xu thế là các quốc gia sẽ phải bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, vì vậy tính khách quan sẽ được đặt ra và gây bất lợi cho doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp.
"Doanh nghiệp sẽ phải huy động những nguồn lực về nhân sự, tài chính để theo đuổi các vụ việc. Có những vụ việc kéo dài 2 năm nên chi phí tương đối lớn. Nhưng trong trường hợp không may mắn và bị áp dụng những biện pháp phòng vệ, các chế tài sẽ tăng thuế nhập khẩu, khiến hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh tranh và đứng trước nguy cơ mất thị trường”, ông Hà nói.
Còn ông Chu Thắng Trung lại cho rằng, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống lẩn tránh sẽ tác động tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chẳng hạn bị áp mức thuế cao sẽ không thể duy trì kết quả xuất khẩu như trước.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng trong điều tra về lẩn tránh phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng có tác động tích cực nhất định.
Cụ thể, điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm; cơ cấu lại chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nhằm tránh rủi ro khi liên quan tới doanh nghiệp đến từ các quốc gia đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Cùng với đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng sẽ phải tiếp tục cải thiện năng lực quản trị, theo dõi hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là trong truy xuất nguồn gốc.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam, tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện.
Đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia; đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, việc tham gia vào sân chơi chung của thế giới với những điều khoản rõ ràng và càng lúc càng ngặt nghèo hơn.
Bởi vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau, dựa trên yếu tố nền tảng chính là việc tạo dựng doanh nghiệp mạnh nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng, cũng như lợi ích sát sườn của bản thân doanh nghiệp.
Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được quy định tại 3 Hiệp định tương ứng của WTO. |
Nguyễn Síu
Báo Lao động và Xã hội số 136