Chưa có giải pháp dài hơi
Vải thiều xuất khẩu (XK) sang Mỹ, Úc phải trải qua quy trình phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) nghiêm ngặt. Theo dự kiến, mỗi năm Việt Nam có thể XK sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn. Tuy nhiên, với hai thị trường Úc, Mỹ chất lượng quả vải Việt Nam có đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ hay không, mới là mối quan ngại lớn nhất.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT): “Hiện nay, Cục đã cấp mã số cho hơn 100 ha vải, nhãn XK sang Mỹ, Úc. Việc xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho vải xuất sang Mỹ cũng đã được lập kế hoạch và chuẩn bị chu đáo khi có vải chín là triển khai ngay, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015 khi mùa vải chín rộ”.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ nông sản Việt Nam khó tiêu thụ là do một mặt chưa có những giải pháp dài hơi, bên cạnh đó chất lượng các sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn các thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
Người nông dân vẫn còn chưa rõ đường đi cụ thể của quả vải sang các thị trường mới này. Vì vậy, các cơ quan quản lý, cụ thể là hai Bộ: Công Thương và NN&PTNT cần nhanh chóng xác định rõ kênh phân phối, có kế hoạch cụ thể cũng như làm rõ doanh nghiệp nào sẽ đứng ra XK sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.
Khó khăn vướng mắc đầu tiên khi XK quả vải sang các thị trường cao cấp là tổ chức sản xuất, đóng gói, xử lý về kiểm dịch thực vật, đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Vấn đề tiếp theo là bảo quản sản phẩm sau thu hoạch làm sao để quả vải vẫn giữ được màu sắc đẹp, chất lượng tươi ngon sau khi vận chuyển sang các thị trường rất xa như Mỹ, Úc…
Hiện, người tiêu dùng tại các thị trường này cũng chưa biết nhiều về quả vải của Việt Nam, do vậy cách thực tiếp thị, tổ chức phân phối, quảng bá thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề cần phải bàn. Vấn đề cuối cùng là giá thành, bởi vận chuyển bằng đường hàng không nên giá thành sẽ cao, cũng cần tính đến.
Tháo gỡ khó khăn
Hiện VNA đã hỗ trợ phí vận chuyển cho nông dân trồng vải, với 1kg vải quả “bay” sang châu Âu, sau khi được giảm giá 20% vé máy bay, giá thành sẽ vào khoảng 2,95 USD/kg. Phí cao, nhưng năng lực vận chuyển vải chỉ ở mức 10 tấn/chuyến bay, tương đương năng lực của 1 xe tải vận chuyển sang Trung Quốc.
Như vậy, để vận chuyển được 600 tấn vải sang Mỹ theo đường hàng không, với mức giá này, doanh nghiệp cần trả 1,77 triệu USD tiền vé. Trong khi đó, tổng sản lượng vải của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh hiện mới đạt mức 150 -200.000 tấn.
Vải Việt Nam phải đáp ứng ATTP mới xâm nhập được thị trường mỹ, Úc . ảnh: Internet.
Tại hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững mới đây, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Hiệp hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác đã giúp mở cửa thị trường Úc, Hoa Kỳ với quả vải. Nhưng với kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, tôi cho rằng chưa thể kỳ vọng ngay được”.
Ông Ánh nhận định, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng XK sang các thị trường khác, thì Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, cần duy trì. Vào mùa vải, mỗi ngày trung bình có 150 xe tải vận chuyển sang Trung Quốc, với sản lượng vận chuyển mỗi xe là 10 tấn, bằng một chuyến bay của VNA.
Đó là chưa kể, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Trung Quốc, EU và các quốc gia ASEAN, trong khi số doanh nghiệp đăng ký đưa quả vải đi Mỹ và Úc còn rất khiêm tốn, khoảng 5-7 doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết: “Để chủ động cho việc chiếu xạ vải, nhãn khu vực phía Bắc, liên Bộ: NN&PTNT và KH&CN đã thống nhất chỉ đạo giao Cục khẩn trương phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội kịp thời bổ sung, nâng cấp trung tâm này, nhằm đáp ứng cho việc chiếu xạ hoa quả phục vụ XK.
Dự kiến cuối năm 2015, mọi công việc sẽ hoàn thành để đưa cơ sở chiếu xạ này vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay mức phí chiếu xạ tại Việt Nam xấp xỉ 1USD/1kg, cao gấp 4 lần so với Thái Lan, gấp 6-8 lần so với Trung Quốc. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp XK nông sản”.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như: Giảm thuế cho Cty kinh doanh chiếu xạ, hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, đi lại cho kiểm dịch viên, giảm giá thành chiếu xạ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu quả vải tươi sang các thị trường cao cấp.
Giá quả vải bán tại thị trường Úc cao hơn khi nhập bán cho Trung Quốc, vào khoảng 6-12 đô la Úc /kg tuỳ theo giống, chất lượng, thời điểm và có xu hướng tăng lên liên tục trong 5 năm qua. Hiện nay, quả vải tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước EU, các nước Đông Âu, vùng Vịnh và một số nước ASEAN (Lào, Campuchia, Singapore) và tới đây là Mỹ và Úc. |