Đón nhận người thân sau thời gian dài xa cách
Có mặt từ rất sớm tại Bộ LĐ-TB&XH để nhận kết quả giám định ADN của anh trai - liệt sĩ Chu Văn Phùng, hy sinh tại Lào 45 năm trước, ông Chu Minh Hoàng (xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, Hưng Yên) không giấu được nỗi xúc động nghẹn ngào khi biết được thông tin nơi yên nghỉ của anh mình.
Ông Hoàng cho hay, người anh ruột sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1968, hy sinh tháng 1/1971 tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Gia đình có hai anh trai là liệt sĩ, ông từng đi các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Đắc Tô Tân Cảnh để tìm kiếm hài cốt các anh. Năm 1996, ông Hoàng đã tìm thấy mộ một người anh - Chu Văn Trãi tại nghĩa trang TP Ban Mê Thuột và đã đưa về quê. Còn thông tin về phần mộ liệt sĩ Chu Văn Phùng vẫn chưa rõ.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao kết quả giám định ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Mẹ ông, cụ Lê Thị Cứ, đã mất cách đây 8 năm, trước khi mất cụ vẫn đau đáu nỗi niềm chưa tìm được phần mộ người con trai còn lại. Ông Hoàng đã hứa với mẹ, bất kể có tin gì cũng sẵn sàng đưa hài cốt anh về quê. Năm 2013, với sự hỗ trợ từ đồng đội của anh trai, ông Hoàng đã làm các thủ tục lấy mẫu sinh phẩm, giám định ADN để xác định thông tin về liệt sĩ Chu Văn Phùng. Sau 3 năm chờ đợi, niềm vui giờ đã đến với gia đình ông.
Cầm tờ thông báo về liệt sỹ Hoàng Hữu Niên, chị Nguyễn Khuyên đến từ xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (em dâu của liệt sỹ) xúc động cho biết, gia đình chồng chị có 3 anh, chị, em, liệt sỹ Hoàng Hữu Niên là anh cả. “Anh Niên nhập ngũ năm 1969, đến năm 1971 gia đình nhận được giấy báo tử anh đã hy sinh ở Lào. Ngày mẹ chồng tôi còn sống, năm nào cứ dịp Tết đến, thắp nén hương cho anh bà lại khóc và dặn dò các con bằng mọi cách phải cố gắng tìm được anh về. Tuổi cao sức yếu mẹ chồng tôi đã không đợi được đến ngày anh về. Cụ ra đi nhưng trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm về phần mộ của anh không biết đang ở đâu. Lần này, trước khi ra Hà Nội nhận thông tin về anh, tôi đã đứng trước bàn thờ báo cáo với cụ. Chắc giờ này ở nơi suối vàng mẹ chồng tôi cũng được an lòng. Gia đình tôi sẽ đưa hài cốt anh về quê hương để được gần mẹ và tiện hương khói” - chị Khuyên chia sẻ.
Cùng nhận kết quả đợt này, trong niềm xúc động khi được nhận kết quả giám định ADN của người thân đã hy sinh vì Tổ quốc, ông Trần Văn Trường, em trai liệt sỹ Trần Văn Hương - đại diện thân nhân các liệt sỹ được trao kết quả giám định ADN đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể, xã hội đã giúp xác định được hài cốt của người thân sau nhiều năm bị thất lạc. “Gia đình chúng tôi may mắn có được kết quả giám định ADN xác định danh tính thân nhân của mình. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những gia đình chưa tìm được người thân, nhiều liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Mong rằng các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội tiếp tục nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sỹ, sớm đưa các liệt sỹ trở về với gia đình, đáp ứng được lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sỹ”.
Chạy đua với thời gian
Tại buổi trao kết quả giám định, Thượng tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) cho biết, việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để xác định danh tính gặp rất nhiều khó khăn. Lí do bởi các hài cốt lâu năm (từ 40 - 50 năm), thời tiết của Việt Nam nóng, ẩm đẩy nhanh quá trình phân hủy hài cốt.
Theo Đại tá Cát, với mẫu hài cốt liệt sĩ, cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, sau đó bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Về thân nhân, hiện có nhiều liệt sĩ còn thân nhân để lấy mẫu, nhưng cũng không ít trường hợp thân nhân không còn nên không lấy được mẫu. “Việc lấy mẫu thân nhân liệt sĩ càng sớm càng tốt, sau đó chúng ta đưa vào ngân hàng gen để khi phân tích được hài cốt liệt sĩ chúng ta có điều kiện tiếp tục so sánh, đối chiếu, khớp nối kết quả để tìm được nhiều liệt sĩ hơn”, ông Cát chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, từ ngày 29/11/2012 đến ngày 5/1/2013, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Viện Pháp y quân đội thực hiện khai quật 1.834 mộ, tổng số hài cốt liệt sĩ đã lấy được mẫu là 1.804. Năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội tiến hành lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ được 1.078 trường hợp. Các đơn vị đã phân tích được 696 mẫu hài cốt và 1.078 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, chuyển cho Viện Pháp y quân đội để tổng hợp, so sánh, đối khớp và kết luận. Từ đó 242 liệt sĩ được trao kết quả cho thân nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, cả nước hiện có hơn 1 triệu liệt sỹ được quy tập tại 3.077 nghĩa trang liệt sỹ. Còn hơn 200 nghìn liệt sỹ chưa được quy tập. Trong số các liệt sỹ đã quy tập có trên 200 nghìn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính. “Việc xác định danh tính liệt sĩ là việc làm rất cần thiết để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào, nhân dân và của gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên với rất nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được trong việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vẫn còn rất hạn chế. Đây là sự trăn trở của các cơ quan có trách nhiệm. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các cơ quan liên quan sẽ đẩy nhanh tiến độ phân tích, đối chiếu các mẫu sinh phẩm liệt sỹ còn lại, sớm có kết quả và thông tin đến gia đình các liệt sỹ" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.