Xã nghèo quanh năm bám rừng
Theo thông tin từ UBND xã Côn Minh cung cấp, trong năm 2016, xã đã xác nhận bản đăng ký khai thác gỗ rừng trồng cho 26 giấy phép, và UBND huyện Na Rì cấp phép cho 3 giấy, với tổng khối lượng hơn 300 mét khối, chủ yếu là gỗ rừng trồng như xoan, mỡ. Và đây là những diện tích gỗ rừng trồng của bà con không bị chồng lấn.
Được biết, xã Côn Minh có 657 hộ với 2.783 khẩu, sinh sống chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp, kinh tế rừng là chính nên việc khai thác gỗ rừng trồng không được thực hiện gây ảnh hưởng rất nhiều đến xã thuộc diện 135 này.
Gỗ được người dân khai thác tập kết tại Bản Cuôn, xã Côn Minh
Rừng bị chồng lấn nên không khai thác được tại xã Côn Minh
Ông Nông Văn Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh cho biết: “Đảng bộ và bà con xã Côn Minh được sống chủ yếu trong vùng núi cao, hẻo lánh của huyện, kinh tế, thu nhập dựa vào rừng là chủ yếu, đó là đặc thù của bà con nơi đây. Trong KBTTN Kim Hỷ xã có 14 thôn bản, trong đó có 8 thôn bản trong vùng lõi, có 12 thôn bản thuộc diện tích KBT.
Trước đây bà con đã trồng rừng, nay đến kỳ khai thác đã có kiến nghị với các cấp cho dân khai thác, vì trước đây đất đã được giao cho dân, giờ lại quy hoạch vào KBT, bà con kiến nghị thứ nhất là đền bù cho dân hoặc cho dân khai thác. Bà con sống dựa vào rừng trong mấy năm gần đây xảy ra việc lén lút khai thác gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng của địa phương”.
Ông Nông Văn Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm KBTTN Kim Hỷ, gần 300ha của khoảng 200 hộ dân xã Côn Minh đang bị chồng lấn với đất rừng của KBTTN Kim Hỷ, những diện tích đó đa phần bà con đã trồng cây lâu năm như cây gỗ mỡ, lát, xoan… nay đã đến tuổi khai thác, nhưng do theo quy định của nhà nước như Luật Bảo vệ phát triển rừng, các nghị định, quyết định, thông tư liên quan cho thấy không được khai thác gỗ trong rừng đặc dụng (KBTTN Kim Hỷ).
Cần có cơ chế đền bù cho dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBTTN Kim Hỷ cho biết: “KBT đã phối hợp với UBND xã tổng hợp diện tích trồng lấn, qua năm 2015 người dân đã trồng lấn hàng trăm ha rừng trước khi có KBTTN Kim Hỷ, chúng tôi đã nhận kiến nghị của người dân, tuy nhiên theo quy định của nhà nước thì rừng đó đến thời điểm này không được khai thác.
Hiện đang mâu thuẫn, chồng chéo, chúng tôi hướng dẫn người dân không được khai thác, vì không có quy định nào khai thác rừng đặc dụng cả. Không riêng gì Kim Hỷ mà nhiều nơi trên các nước có tình trạng chồng lấn, kính mong nhà nước xem xét có biện pháp để người dân phát triển kinh tế để người dân giảm tác động lên rừng tự nhiên nhiều hơn”.
Bà con chăm sóc rừng trồng
Ông Nguyễn Đoàn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chỉ có một nguyên nhân, đó là trước kia các hộ gia đình đã được giao đất, giờ quy hoạch lại tất nhiên là vào KBT, quan trọng bây giờ là phương án giải quyết như nào, ở Bắc Kạn toàn bộ các vùng không có núi đá thì cơ bản giao cho dân, còn một ít diện tích giao cho UBND cấp xã quản lý”.
Nếu muốn thu hồi ít nhất phải có cơ chế đền bù cho dân, hiện nay đang xin cơ chế đặc thù cho bà con, vừa rồi đã có thống kê xem bao nhiêu diện tích, trữ lượng,… giờ mà muốn thu hồi hết thì khả năng rất khó, đặc biệt là tỉnh nghèo như Bắc Kạn”.
Đại diện Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết đơn vị này đã tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới cho người dân khai thác, sau đó tìm nguồn ngân sách trồng lại và chăm sóc rồi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thành rừng đặc dụng.
Về vấn đề quyền sử dụng đất khi người dân có sổ đỏ, KBT cũng được giao quản lý cùng diện tích đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cán bộ Phòng Thanh tra và Phòng Tài nguyên đất thuộc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn và được biết hiện Sở TN&MT chưa nhận được bất kỳ kiến nghị gì của những người liên quan.
Phần lớn diện tích đất của Bản Cuôn bị chồng lấn với KBTTN Kim Hỷ
Theo báo cáo số 56/BC- SNN ngày 25/4/2016 của Sở NN&PTNT Bắc Kạn về kết quả triển khai quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng tỉnh Bắc Kạn, trong 5 nội dung có nội dung liên quan đến Quy hoạch phát triển vùng đệm và phương án chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng đối với phần diện tích mở rộng huộc KBTTN Kim Hỷ. |