Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên đán là hàng chục chị em phụ nữ người đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) lại cùng nhau xuống núi, tìm đến các khu dân cư trên địa bàn để xin “lộc”. Điều đặc biệt là ngoài những người dân sinh sống trên địa bàn, còn có nhiều phụ nữ sống ở nước bạn Lào cũng tìm sang giao lưu, xin “lộc” đầu năm.
Dường như đã thành “luật” bất thành văn, khi đặt chân đến nhà gia chủ trong dịp Tết, những chị em người đồng bào thiểu số đều chân thành hỏi thăm, chúc mừng sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Sau đó, họ sẽ mở lời xin “lộc” đầu năm như kẹo bánh, hạt dưa, mứt trái… để mang về cho con cái, bà con lối xóm. Các gia chủ khi thấy họ tìm đến thường “lì xì” nhiều món quà, thức ăn và một ít tiền bạc để họ đón Tết cổ truyền. Tùy theo tấm lòng của chủ nhà, những người xin “lộc” sẽ vui vẻ nhận lấy tất cả những gì gia chủ “lì xì” đầu năm và cảm ơn, xin phép ra về để tiếp tục hành trình xin “lộc” đầu năm của mình. Thường những người xin “lộc” đi theo từng nhóm từ 3- 5 người. Khi vào nhà người dân nào đó, nhóm sẽ cử một người đứng ra để chào hỏi, chúc sức khỏe gia chủ. Những món quà mà gia chủ “lì xì” sẽ được họ chia cho nhau một cách công bằng, vui vẻ chứ không làm mất lòng nhau.
Chị Pỉ Xăm (39 tuổi, ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) cho hay mỗi năm đến dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi lại tìm đến các ngôi nhà của người Kinh để chúc sức khỏe và xin chút quà Tết. Thường chúng tôi thức dậy vào sáng sớm để chuẩn bị các vật dụng mang theo, đồng thời tắm rửa, ăn mặc sạch sẽ và tìm đến các gia đình người miền xuôi để xin lộc. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chúng tôi đều đi bộ xin “lộc” và trở về nhà khi trời nhá nhem tối.
Theo chị Hồ Thị Khăm ở Đenvilay, huyện Sê Pôn (Lào) thì đây là năm thứ 3 chị tìm đến các khu dân cư phía Việt Nam để xin “lộc” đầu năm. Trong dịp xuống núi xin lộc này, ngoài chị Khăm ra còn có nhiều phụ nữ nước Lào sống ở các bản biên giới Việt- Lào cũng đi theo chị để xin “lộc”. Chị Khăm cho biết năm nào cũng vậy, từ ngày mùng 1- 3 chị đến các khu dân cư Việt Nam để chúc Tết và xin chút lộc đầu năm.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, mỗi gia đình người Kinh ở huyện Hướng Hóa đều sẵn lòng, vui vẻ tặng quà, lì xì cho những những chị em phụ nữ người đồng bào thiểu số khi họ tìm đến. Đó là cách mà người dân nơi đây thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc và sẻ chia, giúp đỡ nhau trong dịp đón Tết cổ truyền dân tộc.