Về hoà giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị, quy định này không nên áp dụng đối với đối tượng là trẻ em vì đây là đối tượng yếu thế.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Với đặc điểm thể chất non nớt, đặc điểm tâm lý phát triển chưa hoàn thiện, khi bị bạo lực trẻ em rất hoảng loạn. Tổ chức hoà giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng biện pháp này. Trẻ em cũng không thể xem xét, cân nhắc giải quyết tranh chấp với người gây bạo lực cho mình…”
Thống kê cũng cho thấy 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ, trên 68% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi từng bị bạo lực gia đình. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần lập quỹ hỗ trợ.
Ông Tô Văn Tám, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Nên chăng nghiên cứu thành lập quỹ phòng chống bạo lực gia đình để thu hút tốt hơn nguốn vốn xã hội hoá cho công tác này. Nguồn của quỹ và việc sử dụng chi tiêu như thế nào thì giao cho chính phủ quy định…”
Đại biểu cũng cho rằng, việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền. Trong khi đó kênh thông tin quan trọng, chính xác, kịp thời chính là từ người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Do đó đề nghị nên quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình trong việc báo tin.
Bà Đặng Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: "Kỳ vọng trong luật đối với việc xử lý đích đáng đối với các hành vi bạo lực, người ra khỏi nhà không phải là phụ nữ, người già và trẻ em mà là người gây ra bạo lực."
Bà Phan Thị Nguyệt Thu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 26 như sau: “… trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật”. Vì nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người bị hạn chế, mất năng lực hành vi phải có người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật đồng ý. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn chi tiết một số điều, khoản của luật này khi luật có hiệu lực.
Ông Võ Mạnh Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: "Nhằm ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị cần xem xét bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 5, cụ thể như sau: Người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo; người đồng bào dân tộc thiếu số."
Đồng thời, bổ sung khoản 1 Điều 7 dự thảo luật cụ thể như sau: Nhà nước ưu tiên nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.