Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ý nghĩa, nguồn gốc câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chỉ việc trọng đại trong 3 ngày Tết Nguyên đán, gợi nhắc tới truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa, nguồn gốc câu ‘mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’ - Ảnh 1.

"Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" là đạo lý mà mỗi người phải hoàn thành trước khi bước vào những cuộc ăn chơi đầu năm mới.

Từ xưa đến nay, mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt lại truyền nhau câu thành ngữ: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam từng chia sẻ với Zing.vn chữ "tết" trong câu thành ngữ trên là sự rút gọn của động từ "chúc tết". Việc chúc tết cha mẹ, thầy cô giáo đã trở thành đạo lý mà mỗi người phải hoàn thành trước khi bước vào những cuộc ăn chơi đầu năm mới.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các sách xưa chỉ ghi "mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy", không có đoạn "mùng 2 Tết mẹ". Câu có cả 3 vế là dân gian mới, được nảy sinh do cách cấu tạo tục ngữ theo kiểu nói kéo theo, bắt xắp, dài ra cho có vần vè.

Theo quan niệm xưa, cha là bên nội, mẹ là bên ngoại. Tức là mùng 1 vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt tập trung sang chúc Tết bên nội, mùng 2 thì về nhà ngoại thăm hỏi, chúc tụng, tỏ lòng thành kính.

Trong sách Việt Nam phong tục (1915), cụ Phan Kế Bính (đỗ cử nhân Hán học năm 1906, là nhà báo vừa có cựu học, vừa có có tinh thần duy tân) viết về mùng 1 Tết: "Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi".

Ở đây, cúng gia tiên là cúng bên nội, nhà cha, theo phong tục xưa. Mùng 1 Tết cha chính là như vậy.

Đến mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức "Tết mẹ" cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội: con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì để rước lộc đầu năm.

Chuyện "mùng 3 Tết thầy" liên quan đến truyền thống tôn sư trọng đạo.

Ý nghĩa, nguồn gốc câu ‘mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’ - Ảnh 2.

Lớp học của thầy đồ ngày xưa. Ảnh: Tư liệu.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết trong quan niệm Tết xưa, chúc Tết thầy không chỉ là tình cảm mà còn là vật chất.

Ở đó, học trò đóng góp và trả công, trả lương cho thầy. Bởi trong xã hội trung đại, thầy đồ, thầy nghè, ông cống tự đứng ra tổ chức lớp học hoặc các gia đình kêu gọi nhau thành lập lớp. Thầy không có lương. Khi dạy học, các gia đình trong làng đóng góp thóc, gạo để nuôi thầy.

Cứ vào ngày mùng 3 tháng Giêng, nhà thầy đồ luôn đông vui nhộn nhịp học trò đến chúc Tết, biếu quà. Người học trò được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất sẽ đứng lên thưa với thầy về sự có mặt của bạn bè đồng môn và chúc thầy những điều tốt lành.

"Tết thầy" được coi trọng không thua kém "Tết cha", "Tết mẹ" bởi đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, thầy được coi trọng như cha.

Vì thế, dù người có chức quan to đến cỡ nào, đường xa cách trở đến đâu, vào ngày mùng 3 Tết, học trò cũng lặn lội đến tỏ lòng kính trọng với người thầy từng dạy dỗ mình.