Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Y tế cơ sở: Chưa tròn vai trò “gác cổng”

Hiện cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Tuy nhiên theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhìn nhận, thực tế trạm y tế rất vắng vẻ. Trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người. Phần lớn người dân vẫn trong tình trạng thờ ơ với y tế tuyến cơ sở vì chưa tin tưởng.

Loay hoay "giữ chân" người bệnh

Tại Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở vừa được Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, Bộ Y tế cho biết, nếu như năm 2014, tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 18%. 

Nhìn nhận thời gian qua, y tế cơ sở có vai trò tích cực, được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỉ lệ tử vong mẹ, suy dinh dưỡng, tiêm chủng,… nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng hạn chế của tuyến y tế cơ sở là người dân chưa tin tưởng bởi chất lượng chưa cao, thiếu cán bộ y tế, phạm vi chuyên môn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, chi trả BHYT cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít ỏi... nên người bệnh vượt lên tuyến trên. Bà Tiến dẫn chứng thực tế số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cá nhân bà đã từng hỏi nhiều bệnh nhân đi xe buýt, xe đò từ 3-4 giờ sáng để lên bệnh viện trung ương khám táo bón, đau đầu, tức ngực... "Chỉ những bệnh đơn giản mà phải lên tận trung ương chiếu chụp, xét nghiệm là không cần thiết" – Bà Tiến nói.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở vẫn là vấn đề phải suy nghĩ. Bởi y tế cơ sở là người "gác cổng" trong hệ thống y tế, giúp người dân giảm chi từ tiền túi nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả nước có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng người dân vẫn không tin tưởng, "chê" y tế cơ sở. Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, không phải hầu hết nhưng phần lớn người dân chưa có niềm tin với y tế cơ sở ban đầu do các nguyên nhân thiếu nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, trong đó phải nhấn mạnh tới yếu tố con người, nhiều trạm y tế xã, dù được đầu tư cơ sở vật chất bằng các nguồn vốn hỗ trợ nhưng máy móc đắt tiền vẫn nằm “đắp chiếu” vì không ai biết cách sử dụng. Đó là một sự lãng phí rất lớn cả về vốn đầu tư và về cung cấp dịch vụ y tế. Năm 2018, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã trong tổng số lượt KCB BHYT là 18 %. Với tình trạng này, nếu trạm y tế  xã không được đầu tư tốt thì người dân sẽ lên tuyến trên để điều trị và trạm y tế sẽ không phát triển được.

 

Gần dân nhất nhưng y tế cơ sở chưa nhận được sự tin tưởng của người dân


Cần mạnh dạn phân cấp, tăng cường đưa bác sĩ về tuyến cơ sở

Trước tình trạng nguồn kinh phí chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Bộ Y tế đã xin Chính phủ tăng thuê các mặt hàng đặc biệt như rượu bia, thuốc lá và sử dụng phần tăng này chi cho y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã chuẩn bị 2 dự án ODA để đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế với khu khám bệnh riêng, góc truyền thông riêng, phòng thủ thuật, phòng lưu thuốc, phòng lưu bệnh nhân để người dân khi có các bệnh thông thường như táo bón, tiêu chảy, đau đầu có thể đến ngay trạm y tế.

Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về tuyến xã điều trị. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở, lãnh đạo ngành y tế đề nghị cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí KCB cho y tế tuyến xã, thay vào đó cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới… kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV, lao…

Về vấn đề nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, cần phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới. Đồng thời quỹ BHYT sẽ tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên, bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán... 

Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, khó khăn hiện nay là nhu cầu sử dụng, khám chữa bệnh ban đầu ở Việt Nam chưa cao trong khi đó tỉ lệ bao phủ BHYT ngày càng nâng cao, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng mạnh.Theo bà Nguyễn Thị Minh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là yếu tố quyết định. Đồng thời đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, quản lý cho tuyến xã. Đầu tư trang thiết bị phải phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, trước mắt cho các thiết bị khám chữa thông thường

Bà Minh đề nghị, cần tăng cường đưa bác sĩ về y tế cơ sở. “Cơ sở nào làm tốt thì mạnh dạn phân cấp. Khi đã phân cấp phải có cơ sở chế độ hỗ trợ đồng bộ. Ví dụ, nếu một dịch vụ kĩ thuật nào đó mà tuyến xã làm được thì không thanh toán ở tuyến huyện. Đồng thời kết quả này phải được liên thông lên tuyến tỉnh, tuyến T.Ư để lên đó không phải làm lại lần nữa. Ngoài ra, có thể hạn chế KCB thông thường tại tuyến tỉnh, T.Ư bằng cách tăng mức đồng chi trả của người bệnh tại các tuyến này hoặc giảm mức thanh toán KCB BHYT đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường” – Giám đốc BHXH Việt Nam gợi ý.