Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Yên Bái: Giấc mơ ngày nào cũng được đến trường của hai đứa trẻ nhà nghèo

Ở thôn Khu 3, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn, Yên Bái) có hai em Dương và Thảo, một em lên tám và một em lên mười. Mỗi khi mưa xuống lũ về cầu tre bị cuốn trôi là hai em lại không thể đến trường như các bạn để học cái chữ.

Mưa to trôi cầu là nghỉ học.

Cây cầu tạm được ghép lại bằng những cây tre tận dụng có được

Chúng tôi đến với Yên Bái để tìm hiểu thông tin, lấy dữ liệu để viết bài về cuộc sống con người nơi đây, và tình cờ được biết đến gia đình chị Sáu, trong một buổi mưa lũ tháng tám, khi cơn bão số ba sắp đổ bộ vào nước ta. Sống dưới mái nhà được lợp bằng Fibro xi măng nứt vỡ từ lâu, nhưng vẫn chưa có điều kiện để sửa, những đồ dùng sinh hoạt của gia đình thì thô sơ thiếu thốn. Một mái nhà, có 5 người, gồm 3 thế hệ, hai vợ chồng chị ở cùng bà Ba - mẹ ruột chị Sáu (một giáo viên đã về hưu bị bệnh tim và huyết áp giày vò từng ngày) cùng 2 đứa con đang đến tuổi đi học là Dương và Thảo

 

 Bà Ba, ở cái tuổi xưa nay hiếm phải lò rò từng bước một qua cây cầu nguy hiểm

Ngôi nhà nằm trơ trọi một mình tại khu vực mép ven suối đã 37 năm. Trước đây, gia đình cũng có hàng xóm, nhưng sau trận lũ lịch sử năm 2005, các hộ gia đình ở đây đều được chính quyền xã Cát Thịnh cấp đất đến nơi ở mới. Đó là năm mà bà Ba ốm thập tử nhất sinh, con cái thì lập nghiệp ở xa không thể về, vì điều kiện khó khăn, chỉ có chị Sáu (con gái thứ) một mình lo liệu chạy lũ cho mẹ. Khó khăn chồng chất khó khăn, chị Sáu sau khi sinh được đứa con trai tên Dương, chẳng lâu sau hai vợ chồng ly hôn.

Trong trận lũ lịch sử năm 2005, xóm bà Ba được chính quyền phân đất sang nơi khác định cư tránh nguy hiểm. Nhưng vì không biết, nên chị Sáu, khi từ nhà trọ trên thị trấn chuyển về thì ở xã đã phân đất xong, sau đó chị có đề nghị với chính quyền địa phương xin được cấp đất, nhưng cán bộ xã trả lời: "Đã hết thời gian và cũng hết khu đất được phân". Nên chị đành ngậm ngùi trở về mép suối nguy hiểm mà sinh sống tiếp,. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Sáu rơm rớm nước mắt khi kể về số phận éo le của đời mình.

Năm 2008, chị tái hôn và sinh thêm con gái tên là Thảo. Nay các con đã đến tuổi đi học, đứa lớn – thằng bé Dương sinh ra đúng vào trận lũ lịch sử 2005,  năm nay cũng đã học lên lớp 6, đứa bé lên lớp 4. Lẻ loi, một mình, gia đình chị bên bờ suối, nên cũng không có hàng xóm nào cùng góp chung xây một cái cầu cho vững chắc, để đi lại cho an toàn và các con mình không phải nghỉ học những ngày mưa lũ. Bởi chi phí để xây một cây cầu là không nhỏ và với một gia đình như nhà chị Sáu là không thể. Gia đình đành chỉ biết chặt tre làm cầu để đi lại, chủ yếu là để cho hai đứa trẻ đi học. Lũ lên thì nước ngập ngang nhà, còn cầu tre bắc qua con suối thì ọp ẹp sơ sài, chỉ hai ba cây tre ghép lại thành cầu, mưa lớn một chút là cây cầu bị cuốn trôi, hai đứa trẻ đành nghỉ học.

Chị Sáu cho biết, có độ, thằng Dương nghỉ học nhiều, khiến cô chủ nhiệm lo lắng gọi điện hỏi gia đình sao không cho bé đi học? Nghỉ nhiều không theo kịp được các bạn cùng lớp, thương con nhưng gia đình cũng không biết phải làm sao. Mấy năm nay, đứa thứ hai cũng đã đi học cùng thằng anh. Nhưng cứ mưa lớn, bão về, nước lên trôi mất cầu lại đành nghỉ học .

Chị Sáu và chồng phải thường xuyên gia cố lại những cây tre vì lũ có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào

Ngày chúng tôi đến thăm gia đình, phải đi qua cây cầu tạm. Có đi qua cầu mới biết tính mạng Thảo và Dương mong manh thế nào khi đi trên cầu này vào mùa mưa lũ !  Cầu được ghép lại với nhau bằng vài ba cây tre, vẫn tươi, chắc cũng vừa lắp, mỗi bước đi là lại rung rẩy, nhún nhẩy trực lật. Cầu cứ chênh vênh giữa dòng suối bên dưới thì nước chảy xiết chỉ lo trượt chân xuống thì không biết sẽ ra sao. Bà Ba qua cầu đón chúng tôi cùng với bé Dương, Nhìn thằng bé đen nhẻm, loắt choắt qua cầu mà tất cả chúng tôi không kìm được lòng. Chúng tôi phải lò rò bò như đứa trẻ mới có thể qua được cầu.

Mơ ước có cây cầu để được đến trường

Đời sống của cả gia đình chị Sáu chỉ trông chờ với nguồn thu nhập từ đồi chè, với diện tích khoảng 1000m2, dành dụm góp nhặt vừa đủ nuôi gia đình và hai đứa con ăn học. Vì vậy anh chị chưa biết khi nào mới gom góp đủ để mua khu đất khác để chuyển đến ở cho an toàn. Đó dường như chỉ là mơ ước của một gia đình 3 thế hệ.


Mái nhà chỉ được lợp tạm bằng những chiếc bạt và những tấm lợp đã cũ tận dụng khi người ta bỏ ra chị Sáu xin về để lợp lại

Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xã Cát Thịnh thở dài:  “Gia đình bà Ba sống ở đây lâu rồi, giờ cả khu đó được chuyển đi. Khổ! Già yếu mà cứ đi đâu cũng lại phải bò qua cái cầu ọp ẹp đấy, nhà thì ẩm thấp, còn hai đứa trẻ con đi học nữa, mưa bão ở khu vực mép suối đấy nguy hiểm lắm.”

Nghĩ tủi thân, thương các con, chị Sáu vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa ngậm ngùi khóc. Khi tôi quay sang hỏi bé Dương muốn chuyển đến nơi khác sống không? Thằng bé hồn nhiên đáp : “Con sao cũng được, con chỉ thích là mưa vẫn được đi học cùng các bạn thôi, ở nhà cùng mẹ con với cái Thảo chán lắm. Mà nghỉ học nhiều, lên lớp không hiểu bài cô lại mắng.”

Nghe xong câu trả lời hồn nhiên của Dương, có lẽ ai cũng không cầm được nước mắt và sự cảm thông với gia đình chị Sáu. Thiết nghĩ, chính quyền nơi đây cần có sự giúp đỡ cụ thể và sự quan tâm của những nhà hảo tâm để cuộc sống gia đình chị Sáu bớt khổ, giúp cho các em được đến trường nuôi dưỡng những giấc mơ.