Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Yên Bái: Lục Yên đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hiện Trường Trung cấp Nghề Lục Yên đang đào tạo 13 nghề, trong đó có 6 nghề phi nông nghiệp, 7 nghề nông nghiệp.

 

Học sinh hệ trung học phổ thông trên địa bàn huyện Lục Yên học nghề điện công nghiệp


Để thực hiện hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, những năm qua, Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên đã xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động. Đây là điều kiện tốt để người lao động trên địa bàn nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).

Theo khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT những năm gần đây cho thấy, hàng năm, trên địa bàn huyện có trên 2.000 LĐNT thiếu việc làm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 85%, nghề phi nông nghiệp 15%. Để đẩy mạnh công tác dạy nghề, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956 cấp huyện do đồng chí phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, cùng các đơn vị thành viên như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Nghề huyện và ban chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn, với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách và tư vấn học nghề cho LĐNT.
Ban chỉ đạo đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp uy tín có nhu cầu tuyển dụng lao động, tổ chức phát tờ rơi và thông báo mở các lớp dạy nghề tại các xã, thị trấn, cùng các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề tại các buổi họp thôn, bản, qua đó người lao động hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia học nghề, nắm bắt được cơ hội tìm việc làm. 
Hiện Trường Trung cấp Nghề huyện đang thực hiện đào tạo 13 nghề, trong đó có 6 nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, may công nghiệp, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa máy nông cụ, chạm khắc đá, sản xuất tranh đá quý; 7 nghề nông nghiệp gồm: kỹ thuật trồng ngô, kỹ thuật trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, quản lý và phát triển trang trại, sản xuất rau an toàn. 
Từ năm 2010 đến nay, Trường đã đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 cho 4.928 người, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 3.445 người, chiếm 69,9% và nghề phi nông nghiệp 1.483 người, chiếm 30,1%. Các đối tượng học nghề thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật và nhóm 2 thuộc đối tượng hộ cận nghèo và LĐNT khác. Số lao động sau khi học nghề nông nghiệp 100% có việc làm và thu nhập ổn định; nghề phi nông nghiệp có trên 60% lao động tìm được việc làm với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. 
Đồng chí Nông Ngọc Ánh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên cho biết: "Với 53 cán bộ, giáo viên, Trường có 8 khoa, phòng. Thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo nghề, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu mở lớp và tuyển sinh do UBND tỉnh giao, chúng tôi đều hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh những thuận lợi, Trường còn gặp không ít khó khăn như: từ năm 2015 đến nay không được đầu tư nhà xưởng và trang thiết bị giảng dạy, nhiều máy tính đã hết hạn sử dụng cần đầu tư thay thế; cần mở rộng nhà xưởng và đầu tư máy may phục vụ cho giảng dạy; thiếu 10 giáo viên dạy các nghề như: may, hàn, điện, kỹ thuật xây dựng… Vì vậy, nhà trường phải thuê giáo viên ở tỉnh khác đến giảng dạy, kinh phí lớn, không chủ động được thời gian cũng như ảnh hưởng đến thời gian mở lớp như kế hoạch đề ra…”.
Để tăng cường công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Trường đã xây dựng nhiều mô hình dạy nghề tại địa bàn các xã, nơi có đông lao động có nhu cầu học nghề như mở các lớp chăn nuôi thú y, khuyến nông, khuyến lâm, sản xuất rau an toàn… tại các địa phương. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm chú trọng. Trường đã tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra hồ sơ giáo án, phát động các phong trào thi đua, động viên khuyến khích giáo viên tìm tòi sáng tạo, xây dựng những giờ giảng, giờ học chuẩn chất lượng để các tổ, các khoa, các lớp học tập và nhân rộng ra toàn Trường.
Để thực hiện tốt Quyết định số 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Lục Yên đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho 3.000 lao động gồm: 2.400 lao động người dân tộc thiểu số, 300 lao động thuộc hộ cận nghèo và 300 LĐNT khác. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm; xác định nghề đào tạo phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về công tác học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho LĐNT.