Theo Cục thống kê tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế trong nước chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm.
Sự mất cân đối trong cấu trúc thị trường bất động sản, giá cả hàng hóa tăng gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là ảnh hưởng của thời tiết bất thường (hiện tượng El nino) nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở khắp cả nước dẫn đến thiếu hụt điện năng. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế trong nước được dự báo tiếp tục đà phục hồi, các cân đối lớn ổn định.
Kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái cùng chung với khó khăn trên, tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức nhất định. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ “Về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023”, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; cộng với sự phấn đấu khắc phục khó khăn của các địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ 6 tháng đầu năm trên địa bàn đạt được những kết quả nhất định trên từng ngành, từng lĩnh vực.
GRDP trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10.537.650 triệu đồng theo giá so sánh 2010, tăng 6,59% so cùng kỳ, trong đó quý I đạt 4.773.484 triệu đồng, tăng 6,32% và quý II đạt 5.764.166 triệu đồng, tăng 6,87%. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với kịch bản với nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp có mức tăng thấp (đặc biệt là ngành sản xuất điện). Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá và đã khẳng định sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Trong mức tăng GRDP 6,59% của kinh tế toàn tỉnh 6 tháng đầu năm theo giá so sánh: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 2.612.410 triệu đồng, tăng 5,85% (cùng kỳ tăng 5,44%), trong đó quý I tăng 6,86% và quý II tăng 5,15%; đóng góp 1,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực Công nghiệp - xây dựng, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao,...) nhưng tiếp tục đóng vai trò động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế đạt 3.206.565 triệu đồng, tăng 8,86% (cùng kỳ tăng 12,54%), trong đó quý I tăng 8,12% và quý II tăng 9,44%; đóng góp 2,64 điểm phần trăm, đây là khu vực có đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế. Khu vực Dịch vụ đạt 4.279.189 triệu đồng, tăng 5,54% (cùng kỳ tăng 5,69%), đóng góp 2,27 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 439.485,9 triệu đồng, tăng 5,28% (cùng kỳ tăng 6,25%), đóng góp 0,22 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế: Tổng GRDP theo giá hiện hành đạt 20.633.415 triệu đồng trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 4.807.033 triệu đồng, chiếm 23,30% (cùng kỳ năm 2022 là 24,12%); khu vực Công nghiệp - xây dựng đạt 6.577.125 triệu đồng, chiếm 31,88% (cùng kỳ năm 2022 là 30,11%); khu vực Dịch vụ đạt 8.392.381 triệu đồng, chiếm 40,67% (cùng kỳ năm 2022 là 41,46%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 856.877 triệu đồng, chiếm 4,15% (cùng kỳ năm 2022 là 4,31%). Như vậy cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng ở khu vực Công nghiệp - xây dựng; giảm ở khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản và Dịch vụ.