Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì lợi ích tổng thể, lâu dài của quốc gia

(Dân sinh) - Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội lần này. Một trong những nội dung của Bộ luật thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là một trong những nội dung của Bộ luật nhận được sự đồng thuận cao khi đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết và cần được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay…

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì lợi ích tổng thể, lâu dài của Quốc gia  - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu về Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tuổi nghỉ hưu thấp sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

“Tăng tuổi nghỉ hưu để đáp ứng cho sự phát triển dài hạn. Theo lộ trình, tới năm 2035, cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60. Tức là hơn 15 năm nữa, phụ nữ mới được làm việc tới 60 tuổi. Chứ không phải chúng tôi làm cái này để chúng tôi tính ở lại đâu. Tôi với chị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội) cũng quá tuổi theo Bộ luật rồi. Làm Bộ luật này không phải cho người đương chức kéo dài thời gian làm việc mà là cho tương lai".

 Thể hiện quan điểm của mình về những nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ "điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn, xu hướng già hoá dân số...

"Trên tinh thần nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh mức tăng tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi, về vấn đề này tôi đồng ý với dự thảo", ông Chính nhấn mạnh và nêu lý do:

Thứ nhất, tình trạng già hoá dân số, sự cải thiện về sức khoẻ, tinh thần và tuổi thọ của người Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số cao trên thế giới, năm 2017 người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, dự thảo Báo cáo của Tổng cục Thống kê đến năm 2038 nhóm dân số trên 60 tuổi khoảng 21 triệu người, đến năm 2050 cứ 4 người thì có 1 người 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 27 triệu người. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay, nam là 72,1 và nữ là 81,3, trong khi tuổi nghỉ hưu hiện tại của Việt Nam tương đối thấp so với thế giới, sự biến động của dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu không có chính sách pháp luật điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam cần phải tính toán cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, vì tuổi thọ trung bình đang tăng lên, trong khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương kéo dài thì ngân sách của quỹ khó đảm bảo chi trả.
Do đó, đòi hỏi việc xây dựng chính sách cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội hợp lý giữa thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời gian hưởng lương hưu là cần thiết. Hiện có một số phương án: Một là, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, giảm mức hưởng lương hưu xuống. Hai là tăng năm đóng bảo hiểm xã hội, kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, phương án đầu tiên sẽ không khả thi và sẽ không được người lao động đồng tình và chấp nhận, nên phương án thứ hai tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý và phù hợp hơn cả. Với giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong tình hình hiện nay.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì lợi ích tổng thể, lâu dài của Quốc gia  - Ảnh 3.

Theo Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển KT - XH

Thứ ba, so sánh với tuổi nghỉ hưu của một số nước trên thế giới, theo số liệu thống kê của thế giới, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia có xu hướng tăng, tại Đức tuổi nghỉ hưu thực tế là 62 và xu hướng về hưu sẽ càng ngày càng muộn hơn và Chính phủ đã đề xuất từng bước tăng tuổi nghỉ hưu, hiện lộ trình tăng 65 tuổi đến 67 tuổi vào năm 2029 và tăng lên 69 tuổi vào năm 2060. Tại Nhật Bản, Chính phủ đã, đang và hối thúc các công ty thực hiện nỗ lực nhằm đảm bảo công việc cho người lao động tới 70 tuổi. Ngay tại Singapore, Chính phủ đã nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 60 lên 62 tuổi. Dự thảo Bộ luật Lao động của Việt Nam đề xuất mức tuổi nghỉ hưu nữ là 60 và nam 62.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

“Về nhóm lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại thì hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại với số lượng khoảng trên 3 triệu người sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm. Nếu thêm điều kiện suy giảm thì họ sẽ nghỉ sớm thậm chí tới 10 năm”.

 Theo đại biểu, lúc đầu  đề xuất tăng mức tuổi nghỉ hưu cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi khác nhau với một số lo ngại. Lo ngại thứ nhất là nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm của người lao động trẻ, tạo điều kiện cho một số cán bộ "cố vị" dài hơn. Lo ngại thứ hai, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động trong một số ngành nghề độc hại, nguy hiểm...

Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều người lao động là người cao tuổi trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật hầu hết là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực họ được làm sau hàng chục năm công tác, đây là nguồn chất xám vô cùng quý giá mà không dễ gì tìm được. Mặt khác, đối với những người lao động trẻ tuổi hiện nay chính sách nhà nước khi quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý có xu hướng lùi độ tuổi xuống trẻ hơn trước, do vậy vẫn đảm bảo tận dụng được nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chọn lọc những nhân tố trẻ có tài và triển vọng phát triển. Bên cạnh đó, cần tính toán đến đặc thù của từng lĩnh vực lao động, từ đó ban hành quy định cụ thể và phù hợp với điều kiện sức khoẻ của người lao động.

"Giải quyết vấn đề này dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã lường trước và cho phép người lao động có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 dự thảo, trừ trường hợp pháp luật quy định khác và quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không được quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này. Như vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một bước cần thiết và cần được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay", Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định.

Quyết sách có tính chất chiến lược về nhân lực và có tầm nhìn dài hạn

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì lợi ích tổng thể, lâu dài của Quốc gia  - Ảnh 5.

Đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vì lợi ích tổng thể, lâu dài của quốc gia

Đại biểu Đào Tú Hoa  (TP. Hà Nội) cho rằng, so với các nước trên thế giới tuổi nghỉ hưu của Việt Nam có thể xếp vào nhóm thấp nhất, nhất là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Nhật Bản 65 tuổi cho cả hai giới, Singapore 62 tuổi, Philippines 60 tuổi cho cả hai giới. Nếu Việt Nam vẫn giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay rõ ràng đang gây áp lực lớn lên quỹ bảo hiểm xã hội nói riêng, ngân sách nhà nước nói chung. Nhiều khả năng ngân sách nhà nước sẽ phải cấp bổ sung cho quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy là bất hợp lý khi Việt Nam đã xóa bỏ bao cấp về bảo hiểm xã hội và không công bằng với những người không hưởng lương bảo hiểm hưu trí.

Theo đại biểu, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chất chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, việc điều chỉnh cần có lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động. Mặc dù Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng", tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, nhưng Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hoá dân số. Do đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thực hiện hợp lý, không để đến khi thiếu hụt lao động mới thực hiện.

"Hầu hết các nước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự ủng hộ ngay của người dân, do người dân luôn mong muốn sớm được hưởng lương hưu trong khi họ vẫn có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập cùng với lương hưu. Thực tế này thể hiện ở nhiều quốc gia như Nga, Cộng hoà Pháp... nhưng vì lợi ích tổng thể, lâu dài của quốc gia, các nước vẫn phải đưa ra quyết định điều chỉnh", bà Hoa nhấn mạnh.