Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Dân sinh) - Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 174 đô thị, gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn Vùng tăng từ 26,46 (năm 2015) lên trên 31,16% (năm 2020), trong khi cả nước tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%.

Định hướng phát triển  vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 10/12/2020, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long". Tham gia Hội thảo có đại diện các Tổ chức Quốc tế, các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp và 13 tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia và các địa phương trong Vùng về phương hướng tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; xây dựng chương trình phát triển đô thị trong thời kỳ mới, nhằm thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 68 năm 2018. Theo đó, hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Theo Bộ Xây dựng, toàn Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 174 đô thị, gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn Vùng tăng từ 26,46 (năm 2015) lên trên 31,16% (năm 2020), trong khi cả nước tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, góp phần rất lớn đối với sự phát triển của các đô thị trong vùng. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các Tổ chức Quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện. Công tác phát triển nhà ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long đạt kết quả tích cực...

Tại Hội thảo, các tham luận tại hội thảo tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội gắn với công tác quy hoạch, quản lý, phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn của Vùng cũng như từng địa phương, các đô thị.

"Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch của quốc gia và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian tới" – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.