Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

(Dân sinh) - Ngày 1/10/2020, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2020. Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Trưởng ban thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; Cùng đại diện các thành viên của Hội đồng như: Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở LĐ-TBXH các địa phương.
Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ được thành lập theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 10/6/2016, có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Đây là cuộc đối thoại lần thứ 4 của Hội đồng nhằm đánh giá những tiến triển đã đạt được sau kỳ đối thoại năm 2019; thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ và đề xuất các ý kiến sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Đối thoại chính sách, pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của việc đối thoại định kỳ về công tác ATVSLĐ. Qua 3 cuộc đối thoại định kỳ năm 2017, 2018 và 2019 của Hội đồng quốc gia và nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế. Sau đối thoại năm 2019, tiếp thu các ý kiến tại đối thoại, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và nhiều thông tư được các Bộ ban hành thay thế các Nghị định, thông tư có nhiều vướng mắc như Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, 88/2020/NĐ-CP, qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã gửi tới Hội đồng. Đồng thời, nhiều chính sách mới như Nghị định số 58/2020/NĐ-CP phù hợp xu thế chung của các nước trên giới, nhằm giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị đại diện cơ quan thành viên Hội đồng báo cáo các kết quả giải quyết đề xuất, kiến nghị sau đối thoại năm 2019; đồng thời tiếp tục đối thoại các vấn đề liên quan đến các chính sách mới ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh thêm khó khăn do dịch Covid-19.
Đối thoại chính sách, pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 2.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động báo cáo những việc đã làm sau đối thoại năm 2019.


Báo cáo những công việc đã làm sau kỳ đối thoại năm 2019, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Thư ký Hội đồng cho biết: Ngay sau đối thoại năm 2019, Hội đồng đã tổng hợp những ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Bộ LĐ-TBXH đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 quy định mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; tham gia vào quá trình ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nội dung nghị định đã giải quyết được rất nhiều kiến nghị và vướng mắc gửi tới Hội đồng thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, ban hành Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 thay thế Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; ban hành Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 thay thế Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Bộ đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên cơ sở rà soát, hợp nhất 1.784 danh mục công việc đã tồn tại từ những năm 1995; Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo đó giải quyết một số vấn đề chưa rõ trong quá trình triển khai quy định này; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thành công Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động...
Đối thoại chính sách, pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị tại buối đối thoại.

Tại cuộc đối thoại lần này, Hội đồng đã nhận được 128 câu hỏi kiến nghị, đề xuất từ 39 tổ chức, doanh nghiệp. Các nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề, như: Huấn luyện ATVSLĐ; chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiến nghị về lĩnh vực kiểm định, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; khai báo, điều tra tai nạn lao động…
Đối thoại chính sách, pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 4.

Các thành viên của Hội đồng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.


Tại hội nghị, các thành viên của Hội đồng đã giải đáp một số ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như: Ý kiến về việc nên quy định cụ thể, chi tiết hơn về những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và quy định thời gian huấn luyện định kỳ với mức độ nặng nhọc, độc hại của từng công việc (Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản); giải quyết chế độ đối với người bị TNLĐ bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Liên đoàn Lao động Hà Nội); cách tính phụ cấp cho an toàn, vệ sinh viên (Liên đoàn Lao động Quảng Ninh)… Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra các ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực Huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động...