Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồng hành cùng công nhân vượt qua khó khăn

(Dân sinh) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngoài đối mặt với việc các mặt hàng thiết yếu bị tăng giá, nhiều gia đình công nhân lao động tại các khu công nghiệp không khỏi lo lắng khi đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con. Thấu hiểu được những khó khăn, cả cơ quan quản lý nhà nước và nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc cùng hỗ trợ công nhân lao động “vượt khó” phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống…

Doanh nghiệp tạo thuận lợi cho công nhân

Trước những khó khăn của người lao động trong tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp thời có giải pháp giúp họ an tâm làm việc. Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết trong đợt dịch này những trường hợp công nhân lao động làm việc tại Công ty có con nhỏ được nghỉ học cũng tương đối nhiều. Do đó Công ty động viên người lao động để họ có thêm động lực sắp xếp ổn thỏa việc gia đình để không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Tùy thuộc vào số lượng, những trường hợp khó khăn quá không thể thu xếp được việc trông con thì công đoàn sẽ đề xuất Công ty xem xét và giúp công nhân lao động khắc phục khó khăn.

Theo ông Sơn thực tế Công ty cũng đã thực hiện việc điều chỉnh ca làm việc cho công nhân lao động, khi công nhân có nguyện vọng, đề xuất đổi ca làm việc để trông con thì Công ty cũng tạo điều kiện cho người lao động. Bên cạnh đó, hiện tại hàng ngày 24/24h Công ty đã và đang tiến hành đo thân nhiệt đối với tất cả người lao động, nhà cung cấp cũng như khách hàng vào giao dịch tại Công ty ngay từ bên ngoài cổng ra vào và yêu cầu phải đeo khẩu trang khi vào giao dịch, làm việc.

Đối với những trường hợp bị ốm sẽ được kiểm tra, theo dõi và thông báo tới các cơ quan chức năng. Ngoài ra Công ty thường xuyên thông báo để người lao động nắm bắt được thông tin về dịch bệnh cũng như cách phòng, chống dịch bệnh, ở các cửa ra vào đều được bố trí nước rửa tay tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân sát khuẩn tay phòng, chống dịch bệnh.

Còn tại Công ty TNHH Điện tử Asti Việt Nam cũng tạo điều kiện cho công nhân lao động có con nhỏ được đổi ca làm việc, những trường hợp công nhân xin nghỉ phép để ở nhà trông con cũng được Công ty xem xét. Ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Việt Nam cho biết để phòng chống dịch bệnh, ngay từ những ngày làm việc sau Tết Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dán các thông báo về triệu chứng bệnh, các biện pháp phòng, tránh dịch tại nhiều địa điểm trong Công ty giúp công nhân lao động nắm bắt được.

Công ty cũng tiến hành đo thân nhiệt khi công nhân vào làm việc và được yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay ở nhiều vị trí tại Công ty, thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, tại các khu vực để cốc được lắp đèn diệt khuẩn.

Đồng hành cùng công nhân vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Gần 9000 lao động ngành nông lâm thủy sản bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo dự báo của các chuyên gia lao động, thị trường lao động trong Quý I và năm 2020 trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động (các doanh nghiệp gia công cho các công ty  đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc,…)

Để ứng phó với những thách thức trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong chỉ đạo mới nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu Cục Việc làm rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để góp phần ổn định sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống người lao động.

Về vấn đề chính sách lao động , Bộ trưởng giao Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh,…Giao Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế căn cứ các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội để hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo theo đúng quy định.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cũng chỉ  đạo các cấp Công đoàn  quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động và nhân dân. Trong đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe công nhân lao động; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như:  đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho người lao động, thường xuyên làm vệ sinh môi trường nơi làm việc; theo dõi và quản lý tốt sức khỏe đoàn viên, người lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh;  Tuyên truyền vận động công nhân viên chức lao động tự phòng, chống bệnh, tích cực cùng cộng đồng phòng, chống, không để bệnh lây lan thành dịch; Trang bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt cho người lao động khi vào làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Trang bị máy rửa xe khử trùng, phát khẩu trang y tế miễn phí cho hành khách đi xe bus; Chỉ đạo thường xuyên việc thực hiện tổng vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; Triển khai các giải pháp khử trùng các nhà hàng khách sạn, phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch đang lưu trú…