Giúp nạn nhân vượt qua khó khăn, giới thiệu việc làm phù hợp
Thông qua cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chúng tôi gặp chị N. T. M. (SN 1997, nạn nhân bị lừa bán vào quán cà phê "đèn mờ").
Đến nay, đã hơn 3 năm sau khi được lực lượng chức năng giải cứu từ quán cà phê "đèn mờ", M. vẫn không nguôi nỗi ám ảnh về khoảng thời gian bị các đối tượng xấu lừa bán vào "phục vụ" trong quán cà phê "đèn mờ". Đó là những ngày đầy tủi nhục và đau đớn.
Chị M. nhớ lại: "Khoảng tháng 4/2016, chị đang tìm việc làm thì thấy thông tin một công ty giới thiệu việc làm tuyển dụng người lao động. Chị liên hệ theo số điện thoại thì gặp một người đàn ông tự xưng là giám đốc công ty rồi hẹn chị ở quán cà phê trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhận hồ sơ xin việc, rồi mới bố trí việc làm với mức lương cao".
Tuy nhiên, sau khi gặp M., người đàn ông đó chở M. đến quán cà phê "đèn mờ" thuộc phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An. Tại đây, người đàn ông trao đổi với chủ quán rồi bỏ M. lại. Sau đó, M. mới biết gã đàn ông kia đã bán cô với giá 1,5 triệu đồng cho chủ quán cà phê.
Kể từ thời điểm đó, M. bị chủ quán giam lỏng, bắt phải phục vụ nhu cầu của khách nhưng không được trả lương. Tại đây, công việc tiếp viên như M. phải làm là ngồi trên võng cùng khách, kích dục, massage và để mặc khách sờ mó. Nếu khách nổi hứng muốn "phục vụ tới Z" thì cũng không được từ chối. Mỗi khách được tính một ca, ca ban ngày có thời gian 25 phút với giá 120 ngàn, ban đêm dài 30 phút có giá 150 ngàn đồng. Nếu phục vụ làm khách phật lòng, không chiều theo ý khách thì bị chủ quán đánh đập như "thời trung cổ".
Công việc đầy tủi hổ, đớn đau… M. từng nhiều lần tìm mọi cách bỏ trốn khỏi chỗ này nhưng luôn bị các thế lực bảo kê theo dõi rất sát sao, sau vài lần bỏ trốn không thành công bị tra tấn đau đớn nên những tiếp viên như M. gần như từ bỏ ý định. Khoảng 1 tháng sau, chị M. gặp một vị khách tốt bụng tên Tuấn. Khi nghe M. kể lại toàn bộ sự việc và hoàn cảnh của mình, anh Tuấn đã gặp chủ quán để chuộc lại M. nhưng không được sự đồng ý mà còn bị chủ quán cho người đuổi đánh. Anh Tuấn đã trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương khẩn trương và cuộc để giải cứu nạn nhân. Được giải cứu, M. được hỗ trợ về quê an toàn. "Từ ngày về quê, tôi nhận được sự quan tâm kịp thời của các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh… tạo mọi điều kiện hỗ trợ và giới thiệu việc làm phù hợp", chị M. chia sẻ.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Không chỉ riêng chị M., rất nhiều câu chuyện đau lòng khác do vấn nạn buôn bán người, đặt ra yêu cầu bức thiết về công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân để phòng tránh và không bị kẻ xấu lợi dụng.
Trao đổi về công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, Đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với các ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhằm đảm bảo việc tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân.
Sở đã phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, huyện tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Xây dựng chuyên trang tuyên truyền các nội dung về công tác phòng, chống mua bán người qua các chuyên mục "Vì an ninh Tổ quốc", "Gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo", "Gia đình vượt khó", "Những mảnh đời bất hạnh"... Ban Chỉ đạo 138/ĐP đã thiết lập đường dây điện thoại nóng để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ và tư vấn... bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đến nay, toàn tỉnh có 107 Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc bền vững với 2.853 thành viên; 356 địa chỉ tin cậy với hơn 1.200 thành viên. Các mô hình hoạt động góp phần nâng cao ý thức của các hội viên, phụ nữ quản lý, bảo vệ con em, không để các đối tượng mua bán người lợi dụng phạm tội.
Vấn nạn buôn bán người là thực trạng nhức nhối trong xã hội cần được giải quyết dứt điểm. Với sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các cấp, ban ngành tại Đồng Tháp, tin rằng tình trạng buôn bán người sẽ không còn tiếp diễn, đảm bảo cuộc sống bình yên, an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.