Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này vừa đề ra chỉ tiêu đến 2021, toàn tỉnh có 226 hợp tác xã (hiện nay là 214 hợp tác xã) và 54.600 thành viên; doanh thu bình quân 01 hợp tác xã hơn 2,1 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 01 hợp tác xã là 267 triệu đồng/năm; phấn đấu thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 70 triệu đồng/năm.
Đối với hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2021 có 187 hợp tác xã nông nghiệp, tổng số thành viên 29.120 thành viên; thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên là 50 triệu đồng/năm.
Dự kiến đến năm 2021, toàn tỉnh có 1.004 tổ hợp tác nông nghiệp. Tổng số tổ viên tham gia tổ hợp tác nông nghiệp là 49.768 tổ viên; doanh thu bình quân 510 triệu đồng/tổ hợp tác; lãi bình quân 138 triệu đồng/tổ hợp tác.
Để phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn riêng để đầu tư, phát triển kinh tế tập thể.
Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực cấp mã vùng trồng cho các địa phương và hỗ trợ địa phương trong quản lý, tập huấn cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã để quản lý chặt chẽ hơn về mã vùng.
Đồng Tháp hiện có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ tiêu là 61 xã); 29 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 10 xã đạt 14 tiêu chí; không còn xã đạt 13 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dự kiến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,28%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia 70%, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn 45%.