Ngày 15/9, UBND tỉnh ĐồngTháp yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về trẻ em.
Công văn của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
"Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em". Công văn của UBND tỉnh nêu rõ.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, TP triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin và can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước.
Cùng với đó là tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, giải quyết kịp thời những vấn đề khẩn cấp liên quan đến trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Công an Tỉnh thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ đạo công an các địa phương tăng cường rà soát, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bóc lột trẻ em; tăng cường phối hợp trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.